Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng, mã nào tăng mạnh nhất tuần qua?
Tuần qua (8-12/1) là tuần giao dịch đầy tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi hàng loạt mã tăng giá với thanh khoản đột biến.
Trong 27 mã đang giao dịch trên sàn chứng khoán, có đến 21 mã tăng giá, trong khi 2 mã không thay đổi và 4 mã giảm giá.
Cổ phiếu CTG của VietinBank là mã tăng mạnh nhất ngành tuần qua với mức tăng 8,6%, đóng cửa tuần ở giá 31.500 đồng/cp. Cổ phiếu này đã có chuỗi 12 phiên tăng giá và hiện ở vùng cao nhất 1 năm. Thanh khoản CTG tuần này cũng tăng mạnh với giá trị khớp lệnh đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHB cũng tăng mạnh 6,5% trong tuần qua. Thanh khoản SHB tăng đột biến, đặc biệt là trong phiên 10/1 với hơn 94 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh SHB tuần qua lên tới hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 72% so với tuần trước. SHB cũng đã có chuỗi 12 phiên tăng giá. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu này đã tăng 13,8%.
Nhiều mã khác cũng tăng mạnh như OCB (4,6%), EIB (4,5%), TCB (4,4%), MBB (4,1%), BID (3,4%), TPB (3,1%), VCB (2,9%),…Một số mã lập đỉnh trong tuần qua như mã BID của ngân hàng BIDV lập đỉnh 47.400 đồng/cp phiên 10/1.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng giảm giá, chủ yếu là các mã giao dịch trên UPCoM như NAB (-2,5%), VBB (-1,9%), SGB (-0,8%). Ngoài ra, cổ phiếu SSB trong VN30 cũng giảm 0,6% trong tuần vừa rồi.
Thanh khoản toàn ngành bùng nổ với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 25.000 tỷ đồng tuần qua, tương đương bình quân hơn 5.000 tỷ đồng/phiên. Trong đó, STB của Sacombank dẫn đầu về thanh khoản, đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Ngoài ra, SHB và MBB cũng đạt quanh mức 3.000 tỷ đồng. Hai cổ phiếu khác có thanh khoản trên 2.000 tỷ là CTG, ACB.
Khối ngoại có động thái gom mạnh hàng loạt cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua như OCB, VPB, STB, VCB, CTG, HDB,…Trong đó, VCB ghi nhận giá trị mua ròng cao nhất 141 tỷ đồng, cũng ghi nhận 13 phiên mua ròng liên tiếp.
Các ngân hàng đang bước vào thời điểm công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước mới đây, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Đánh giá tổng thể năm 2023, các TCTD nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng và điều chỉnh giảm mạnh kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với mức dự báo tại kỳ điều tra trước.
Trong đó, 78,6% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022; 17,9% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,6% ước tính không thay đổi. Với tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp và chưa đạt được như kỳ vọng, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.
Hiện đã có 8 ngân hàng ước tính kết quả lợi nhuận, nhìn chung đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý 4, tín dụng tăng đột biến trong quý 4. Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận, đạt hơn 41.000 tỷ đồng. BIDV là ngân hàng đứng thứ hai với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 27.500 tỷ đồng.