Cổ phiếu ngân hàng tăng, giảm trái chiều trong ngày 23 tháng Chạp
Hiện nhiều mã ngân hàng đã vượt hoặc tiệm cận đỉnh lịch sử là BID, ACB, HDB, VCB và LPB.
Thị trường chứng khoán ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp) chứng kiến giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu của Vn-Index đi cùng thanh khoản cầm chừng và giảm mạnh so với phiên trước đó. Sự thiếu đồng bộ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và áp lực bán gia tăng vào cuối phiên đã khiến VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,47 điểm và chốt tuần ở mức 1.172,55 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay diễn biến phân hóa với sắc đỏ chiếm ưu thế đã gây nhiều sức ép lên thị trường chung. Đóng cửa phiên 2/2, toàn ngành ghi nhận 6 mã tăng, 12 mã giảm và 9 mã đứng giá tham chiếu.
Gây ấn tượng nhất phiên hôm nay là HDB của HDBank khi mã này bật tăng hơn 2,5% và chính thức vượt qua đỉnh cũ ghi nhận vào cuối tháng 11/2021. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức cao nhất lịch sử là 22.350 đồng/cp (giá đã điều chỉnh). Tính chung từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng hơn 10% và tăng gần 25% trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Diễn biến của cổ phiếu HDB xuất hiện trong bối cảnh HDBank mới đây đã công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt kỷ lục 13.017 tỷ đồng, tăng 26,8% so với năm 2022. Kết quả này giúp HDBank có thập kỷ tăng trưởng cao liên tục với mức tăng trưởng lợi nhuận kép 49,1% mỗi năm.
Phiên hôm nay cũng ghi nhận diễn biến tích cực của cổ phiếu ACB (+0,96%), giúp cổ phiếu này tiếp tục duy trì ở vùng giá cao kỷ lục. VCB cũng bật tăng 0,56% trong phiên ATC và chỉ còn cách đỉnh lịch sử hơn 3%.
Ngoài 3 mã kể trên, sắc xanh cũng xuất hiện tại 3 cổ phiếu ngân hàng khác là BVB (+0,93%), PGB (+0,37%) và STB (+0,34%).
Ở chiều ngược lại, OCB là mã ngân hàng giảm sâu nhất phiên hôm nay khi lao dốc hơn 2%, xuống còn 14.500 đồng/cp. Cùng với OCB, nhiều mã ngân hàng khác cũng giảm khá sâu như TPB (-1,96%), VIB (-1,94%), CPB (-1,83%),…
Về thanh khoản, SHB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành khi ghi nhận gần 38 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn. Đứng sau SHB về khối lượng giao dịch lần lượt là VPB (16,7 triệu cp), MBB (15,1 triệu cp), ACB (14,5 triệu cp), STB (10,1 triệu cp),..
SHB thời gian gần đây là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên thị trường chứng khoán nói chung và nhóm VN30 nói riêng. Đơn cử như trong phiên giao dịch ngày 31/1/2024, SHB có phiên giao dịch với khối lượng cao nhất lịch sử với hơn 127 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương ứng 11,3% tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE. Với khối lượng giao dịch này, cổ phiếu SHB xô đổ kỷ lục về thanh khoản từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trước đó, vào ngày 10/1, SHB đã xác lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh 94,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.154 tỷ đồng.
Tính đến nay, SHB là một trong số ít cổ phiếu ghi nhận khối lượng khớp lệnh trên 100 triệu cổ phiếu trong một phiên. SHB cũng là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tính từ trung tuần tháng 1/2024 đến nay, khối ngoại đã mua ròng gần 6,9 triệu cổ phiếu SHB.
Trong nhóm VN30 (cổ phiếu bluechip), cổ phiếu ngân hàng có mặt 13 mã, chiếm gần 49% danh mục. Do vậy, cổ phiếu ngân hàng là dòng không thể thiếu để tạo hiệu ứng lan tỏa nhằm góp phần kéo thị trường tăng điểm.
Theo giới phân tích, mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đang được giao dịch ở mức 1,5 lần. Điều này cho thấy mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại vẫn còn hấp dẫn và có tiềm năng để nắm giữ dài hạn. Trong đó có một số cổ phiếu có chỉ số P/B khá thấp như: SHB đạt 0,9; TCB đạt 1,0; MBB đạt 1,1, CTG đạt 1,2;
"Định giá của cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn, ngang với trung bình lịch sử nhưng ROE và chất lượng tài sản ngành này hiện đang tốt hơn hẳn so với giai đoạn quá khứ", Chứng khoán ACBS đánh giá.
Tại báo cáo triển vọng ngành 2024, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng tiếp tục duy trì khuyến nghị khả quan với ngành ngân hàng trong 2024 dựa trên các luận điểm chính: Thứ nhất, môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM bật tăng nhờ chi phí vốn được tái thiết lập; Thứ hai, tăng cường xử lý nợ xấu trong 2023 tạo dư địa để ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong 2024, từ đó giúp triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2024 khả quan hơn, được hỗ trợ bởi mức định giá vẫn trong vùng phù hợp để tích lũy.