Cổ phiếu tăng hơn 100%, vốn hóa của 'gã khổng lồ' hàng không Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai trên sàn chứng khoán, chỉ còn kém Vietcombank
Vốn hóa của doanh nghiệp hàng không này đạt mức 295.200 tỷ đồng (khoảng 11,6 tỷ USD), tăng 151.500 tỷ đồng từ đầu năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/4, cổ phiếu ACV của tổng công Cảng hàng không Việt Nam tăng hơn 10% lên mức giá 135.600 đồng/cp. Đây cũng là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này. Kể từ dầu năm cho tới nay, thị giá của ACV đã tăng 105%.
Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của ACV đạt mức 295.200 tỷ đồng (khoảng 11,6 tỷ USD), tăng 151.500 tỷ đồng từ đầu năm. Như vậy, giá trị thị trường của ACV đã chính thức vượt loạt tên tuổi như FPT, Hòa Phát, BIDV, Viettel Global... để xếp thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ kém mỗi Vietcombank.
Gần đây, có nhiều thông tin tích cực gần đây đã được ra để hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu ACV. Đầu tiên, theo cập nhật mới đây, 'siêu' dự án sân bay Long Thành có tổng vốn 336.600 tỷ đồng do ACV làm chủ đầu tư đang ghi nhận nhiều hạng mục vượt tiến độ.
Đầu tiên, nhà ga hành khách đã cơ bản hoàn thành phần bê tông cốt thép toàn bộ cột tầng 1, thi công bê tông dầm sàn tầng 1 đạt 97.200 m2/ (trên tổng 114.000 m2), đạt 85%. Dự kiến nhà thầu sẽ hoàn thành thi công toàn bộ hạng mục kết cấu bê tông cốt thép trong tháng 9/2024 để tiếp tục lắp dựng kết cấu thép mái. Tiến độ thi công đang vượt tiến độ phần thô 20 ngày và vượt tiến độ tổng thể gói thầu 10 ngày so với tiến độ hợp đồng.
Tại gói thầu 4.6 gồm các hạng mục đường cất-hạ cánh (CHC) liên danh nhà thầu thi công đã huy động 1.500 nhân sự và 350 trang thiết bị máy móc với 50 mũi thi công để phục vụ thi công gói thầu. Đến nay nhà thầu đã hoàn thành cơ bản phần nền móng và hạng mục kết cấu lòng đường hạ cất cánh. Đối với phần kết cấu lề đường CHC phần nền móng đạt 62,22%, các lớp bê tông nhựa dự kiến triển khai thi công trong tháng 9/2024 để hoàn thiện đồng bộ với phần lòng đường CHC.
Tại dự án thành phần 2 - xây dựng công trình phục vụ quản lý bay, ghi nhận cho thấy nhiều hạng mục vượt tiến độ, riêng tháp không lưu vượt tiến độ khoảng 70 ngày. Với hạng mục trạm radar sơ cấp/thứ cấp, trạm phát sóng vô tuyến, trạm thu sóng vô tuyến, đều cơ bản hoàn thành phần thô bê tông cốt thép ở nhà chính, chuẩn bị sản xuất kết cấu thép, thi công dầm sàn. Riêng đài dẫn đường đa hướng và đo cự ly đang thi công các bể ngầm, đạt 90% khối lượng. Nhà thầu dự kiến hoàn thành phần thô bê tông cốt thép trước ngày 30/7/2024.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh khả quan. Trong quý 1/2024, công ty ghi nhận doanh thu 5.643 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn hàng bán, ACV lãi gộp 3.599 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm ngoái. Biên lãi gộp ở mức gần 64%.
Mảng tài chính, doanh thu trong kỳ đạng 479 tỷ - phần lớn đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Đặc biệt, trong kỳ Công ty không còn ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá giúp lãi ròng tăng mạnh 79%, đạt 2.917 tỷ đồng.
Bức tranh ngành hàng không tại Việt Nam cũng đang có nhiều gam màu tươi sáng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ hàng hàng không đạt 22,3 triệu lượt, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế - tệp khách hàng mang lại doanh thu lớn nhất cho ngành hàng không đã đạt 6,3 triệu người, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lượng hàng hóa được vận chuyển qua đường hàng không cũng tăng 47,5% so với năm trước đó.
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2024.
ACV được thành lập năm 2012 trên cơ sở hợp nhất các Tổng Công ty Cảng hàng không ở 3 miền Bắc – Trung – Nam. Năm 2015, tổng công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần.
Doanh nghiệp này hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.