Cổ phiếu thoát diện cảnh báo, Chứng khoán Rồng Việt sẽ huy động 900 tỷ đồng trái phiếu

Cổ phiếu VDS sẽ được ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 17/08. Bên cạnh đó, Chứng khoán Rồng Việt dự kiến chào bán 900 tỷ đồng trái phiếu ngày 18/8.

Ngày 15/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) ra quyết định về việc đưa cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (mã VDS) ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 17/08. Lý do là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2023 là 109,1 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023.

Trước đó, cổ phiếu VDS bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 16/3 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 âm gần 51 tỷ đồng.

co-phieu-thoat-dien-canh-bao-chung-khoan-rong-viet-se-huy-dong-900-ty-dong-trai-phieu-1692183516.jpg
Ảnh minh họa

Cũng theo BCTC bán niên 2023 đã soát xét, Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận doanh thu hoạt động ở mức 331 tỷ đồng, giảm 24% so với nửa đầu năm 2022. 

Trong cơ cấu doanh thu, lãi từ các tài sản chính FVTPL giảm cực mạnh từ gần 97 tỷ đồng về còn gần 10 tỷ đồng; lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 23% còn 147 tỷ đồng; nghiệp vụ môi giới chứng khoán còn 93,4 tỷ đồng, giảm 37%; nghiệp vụ bảo lãnh phát hành đại lý chứng khoán giảm 5 lần về còn hơn 4 tỷ đồng; hoạt động tư vấn tài chính giảm một nửa và nghiệp vụ lưu ký chứng khoán "đi ngang".

Chi phí hoạt động ở mức 64,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là 535 tỷ đồng, tức giảm tới 87%. Công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu do hoàn nhập chi phí đánh giá các tài sản tài chính đã trích năm trước là 186,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022 phải ghi nhận thêm vào chi phí 218,2 tỷ đồng.

Kết quả 6 tháng đầu năm, Chứng khoán Rồng Việt lãi ròng hợp nhất 160 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 141 tỷ đồng. 

Tổng tài sản tại cuối quý II/2023 ở mức 4.481 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái. Các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ ở mức 1.206 tỷ đồng bao gồm: 512 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và 580 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. 

Công ty đang cho vay margin ở mức 1.969 tỷ đồng đồng thời nắm giữ 681 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Trong danh mục đầu tư chứng khoán của công ty, cổ phiếu DBC chiếm tỷ trọng lớn nhất với 213 tỷ đồng và đang lỗ hơn 40 tỷ đồng; cổ phiếu ACB gần 82 tỷ đồng; cổ phiếu CTG hơn 68 tỷ đồng, đang lỗ khoảng 6 tỷ đồng; cổ phiếu TCB 47 tỷ đồng nhưng đang lỗ tới 15 tỷ đồng; chỉ riêng KDC đang có lãi 81 triệu đồng.

Trong diễn biến khác, Chứng khoán Rồng Việt vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu (lần 3 năm 2023). Công ty dự kiến phát hành lô trái phiếu có mã VDSH2324003, khối lượng 9.000 trái phiếu và giá chào bán bằng mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Như vậy, tổng giá trị chào bán dự kiến là 900 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến từ ngày 18/08.

Trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 9,5%/năm.

Về phương thức thanh toán, gốc sẽ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn (trừ trường hợp trái phiếu được mua lại trước hạn); lãi sẽ được thanh toán định kỳ 1 tháng/lần.

Nguồn vốn thu được từ đợt chào bán (900 tỷ đồng) dùng để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành, bao gồm thanh toán tiền gốc trái phiếu đến hạn/mua lại trước hạn và/hoặc thanh toán một phần/toàn bộ nợ vay ngân hàng vào ngày đáo hạn hoặc trả trước hạn.

Ngoài ra, nguồn vốn thu được nếu tạm thời nhàn rỗi, tức trong thời gian chưa đến hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng, sẽ được gửi tiết kiệm.

Về phương án mua lại, tùy thuộc tình hình kinh doanh và khả năng về vốn, VDS có thể mua lại một phần trái phiếu đã phát hành trước khi đáo hạn theo yêu cầu của trái chủ với số lượng mua lại trước hạn tối đa 50% lượng trái phiếu đã phát hành, thời gian mua lại 6 tháng kể từ ngày phát hành và lãi suất mua lại tối đa 8.3%/năm.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT