Cổ phiếu VCA ra khỏi diện cảnh báo từ ngày mai (10/8)

Cổ phiếu VCA của Thép Vicasa được ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 10/8 do đã khắc phục được tình trạng lợi nhuận sau thuế âm.

co-phieu-vca-ra-khoi-dien-canh-bao-tu-ngay-mai-108-antt-1691577143.jpg
Cổ phiếu VCA ra khỏi diện cảnh báo từ ngày mai (10/8). Ảnh minh hoạ

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu AVC của CTCP Thép Vicasa-Vnsteel ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 10/8.

Cổ phiếu VCA được ra khỏi diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 là 6,21 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2023 là 3,8 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023, thuộc diện chứng khoán được ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.

Trước đó, cổ phiếu VCA của Thép Vicasa bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 22/2/2023 theo quyết định số 53/QĐ-SGDHCM ngày 15/2/2023, căn cứ vào báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022,lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty này là âm 5,89 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2023 là âm 2,41 tỷ đồng.

Tại báo cáo giải trình kỳ này, công ty cho biết, trong quý II/2023, sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm nhiều so với quý II/2022, khiến doanh thu giảm gần 29%, xuống còn 358 tỷ đồng. Dù đã giảm 31% nhưng giá vốn vẫn ở mức cao khiến lãi gộp của công ty chỉ vỏn vẹn 8,5 tỷ đồng. Nhưng đây vẫn là con số tích cực hơn trạng thái kinh doanh dưới giá vốn cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình tài chính, chi phí tài chính giảm đáng kể 1,39 tỷ đồng, xuống còn hơn 2 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh gần 15,5 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ các chi phí, lợi nhuận ròng của VCA chỉ đạt 880 triệu đồng, nhưng vẫn tăng 75% so với mức lãi 0,5 tỷ cùng kỳ.

Trong báo cáo gửi HoSE, VCA cho biết với mức lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,2 tỷ đồng, công ty đã khắc phục được mức lỗ lũy kế ngày 31/12/2022 chuyển sang là 2,41 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong báo cáo tài chính quý II/2023, trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VCA tại ngày 30/6 là gần 444 tỷ đồng, tăng gần 20% so với hồi đầu năm. Đặc biệt, khoản hàng tồn kho của VCA đã tăng 65% so với đầu kỳ lên 325 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là mức tăng gấp 6,6 lần của khoản bán thành phẩm phôi thép lên 33 tỷ đồng, khoản thành phẩm tăng 96% lên 133 tỷ đồng, khoản nguyên, vật liệu tăng 24% lên 151 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lại giảm một nửa xuống 48 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, nợ phải trả của VCA tại ngày 30/6 đã tăng 35% so với đầu kỳ lên 253 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu của VCA (191 tỷ đồng). Trong đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng gấp 14 lần lên 43 tỷ đồng và không ghi nhận khoản nợ xấu nào. Chủ nợ lớn nhất của VCA trong ngắn hạn là Công ty TNHH Phế liệu Huy Hoàng Gia với 14,4 tỷ đồng.

Công ty cũng ghi nhận mức tăng gần 7% của khoản vay và nợ thuê ngắn hạn lên 162 tỷ đồng. Đây đều là khoản vay dưới 12 tháng, với 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) (93,3 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (55,3 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) (13,2 tỷ đồng).

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT