Cổ phiếu VHL bị đưa vào diện cảnh báo và bổ sung lý do không được giao dịch ký quỹ

Cổ phiếu VHL bị vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau kiểm toán tại ngày 31/12/2023 là số âm.

co-phieu-vhl-bi-dua-vao-dien-canh-bao-va-bo-sung-ly-do-khong-duoc-giao-dich-ky-quy-antt-1709002341.jpg
Cổ phiếu VHL bị đưa vào diện cảnh báo và bổ sung lý do không được giao dịch ký quỹ. Ảnh minh hoạ.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định đưa cổ phiếu VHL của CTCP Viglacera Hạ Long vào diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm, dựa theo dữ liệu trên BCTC năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam.

Theo đó, VHL có thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực là 28/02, phải gửi HNX và công bố thông tin kèm theo biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Định kỳ hàng quý (tính theo năm dương lịch), VHL phải giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và công bố thông tin.

Cổ phiếu vào diện cảnh báo cũng trở thành lý do bổ sung cho việc HNX đưa VHL vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ, bên cạnh lý do khác là lợi nhuận sau thuế năm 2023 của cổ đông Công ty mẹ VHL tại BCTC hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam là số âm. Quyết định này cũng có hiệu lực từ ngày 28/02.

Trước đó, vào ngày 14/08/2023, VHL chính thức vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ, do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của cổ đông Công ty mẹ và lợi nhận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06/2023 của VHL tại BCTC hợp nhất bán niên 2023 đã được kiểm toán là số âm.

Theo dữ liệu trên BCTC, VHL ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ lần lượt âm 38 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023 và âm 69 tỷ đồng năm 2023. Qua đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị tác động tiêu cực, dẫn đến mức âm 2 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2023 và âm 34 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

Lý giải cho kết quả bết bát trong năm 2023, VHL cho biết do Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trích tiền cấp quyền khai thác khoáng sản các mỏ sét, giá nguyên nhiên vật liệu vẫn tăng cao. Mặt khác, trong năm 2022, Công ty đã hoàn nhập khoản công nợ khó đòi, trong khi năm 2023 không có. Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong kỳ giảm dẫn đến doanh thu bán hàng giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty còn phải chịu khoản lỗ hơn 22 tỷ đồng tại các công ty liên doanh liên kết (năm 2022 lỗ gần 7 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VHL đạt 837,6 tỷ đồng, giảm 18,4% so với đầu năm, về mức 837,6 tỷ đồng. Trong đó khoản mục lớn nhất là hàng tồn kho với 367,5 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản.

Nợ phải trả của doanh nghiệp này ở mức 299 tỷ đồng, trong đó có 83,6 tỷ đồng vay nợ tài chính.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT