Cổ phiếu Vietnam Airlines đón tin vui trước nguy cơ bị hủy niêm yết

HoSE quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 26/12. Dù vậy, cổ phiếu này vẫn đang bị kiểm soát và đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết.

Ngày 22/12, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12. 

Lý do là Vietnam Airlines đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.

co-phieu-vietnam-airlines-don-tin-vui-truoc-nguy-co-bi-huy-niem-yet-1703300070.PNG
Nguồn: HoSE

Đây là tin vui hiếm hoi của cổ phiếu HVN dù đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. Bởi lẽ Vietnam Airlines đã báo lỗ ba năm liên tiếp. Cụ thể, hãng bay lỗ ròng 11.223 tỷ đồng năm 2022, lỗ 13.279 tỷ đồng năm 2021 và lỗ 11.178 tỷ đồng năm 2020. 

Tính đến ngày 31/12/2022, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 35.072 tỷ đồng,vốn chủ sở hữu cũng âm 11.056 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN cũng đang trong diện bị kiểm soát. Thị giá cổ phiếu này đã chững lại đà giảm từ cuối tháng 10/2023 và đang dao động quanh ngưỡng 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra hôm 16/12, trả lời về việc cổ phiếu HVN đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt. Trước đại dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và tài chính lành mạnh trên sàn HoSE. 

Tuy nhiên, đại dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và hàng không, đây là tình huống rất khách quan.

"Tôi tin tưởng rằng các cơ quan Nhà nước, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá các yếu tố trên một cách khách quan, cẩn trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán", ông Hiền nói.

Cũng tại đại hội, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết Vietnam Airlines đã xây dựng và đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025.

Lãnh đạo hãng hàng không xác định Đề án tái cơ cấu tổng thể trong đó có tái cơ cấu về tài sản, danh mục đầu tư, nguồn vốn, đưa ra các giải pháp để có thêm thu nhập, nguồn vốn nhằm cải thiện dòng tiền để từng bước xóa dần lỗ lũy kế. Do đó, Vietnam Airlines đặt mục tiêu cân đối thu - chi vào năm 2024 (hòa vốn), bắt đầu có lãi từ năm 2025.

Về dòng tiền, năm 2023 doanh nghiệp cũng đã bố trí trên 7.000 tỷ đồng đảm bảo trả các khoản nợ, dự kiến nợ quá hạn tính đến cuối năm nay còn 8.000 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT