Cổ phiếu VinFast tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp, vốn hóa ở mức 46 tỷ USD
Cùng chung xu thế với thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của VinFast có phiên giảm thứ hai liên tiếp về mức 20 USD/cổ phiếu, tương đương vốn hóa 46 tỷ USD.
Mở cửa phiên ngày 17/8, cổ phiếu VFS của VinFast bắt đầu giao dịch ở mức giá 27,8 USD/cổ phiếu, giảm 6,6% so với phiên giao dịch trước. Thời điểm đóng cửa phiên, cổ phiếu VinFast sau đó tiếp tục giảm dần và đóng cửa giảm hơn 33% xuống 20 USD/cổ phiếu.
Dù vậy, đà giảm của cổ phiếu VinFast cũng đi cùng xu hướng chung của sàn Nasdaq Mỹ. Từ hơn 85 tỷ USD phiên chào sàn, hiện vốn hóa VinFast còn 46 tỷ USD sau 3 phiên và vẫn gấp đôi mức 23 tỷ USD chào sàn.
Sáng ngày 17/8 theo giờ Việt Nam, Forbes đã điều chỉnh tài sản của ông Phạm Nhật Vượng được ghi nhận giảm 7 tỷ USD (-15,8%) xuống 37,5 tỷ USD – đứng ở vị trí thứ 32 thế giới, ngang ngửa với tỷ phú Lý Gia Thành và nhỉnh hơn một chút so với CEO Tencent Mã Hóa Đằng và nhà sáng lập Uniqlo Tadashi Yanai.
Với việc cổ phiếu VFS giảm phiên thứ hai liên, theo cập nhật của Forbes tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giảm 29% còn 31,4 tỷ USD, đứng thứ 46 thế giới.
Trước đó cổ phiếu VFS tăng bứt phá trong ngày chào sàn 15/08. Cụ thể, cổ phiếu của hãng xe điện Việt tăng sốc từ 22 USD/cổ phiếu và đóng cửa ở mức 37,06 USĐ/cổ phiếu.
Ở mức vốn hóa 85 tỷ USD, VinFast vượt qua Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng.
Mức vốn hóa 85 tỷ USD của VinFast còn lớn hơn tổng giá trị 8 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam cộng lại và vượt tổng vốn toàn ngành ngân hàng Việt Nam cộng lại.
Cũng trong phiên giao dịch đầu tiên, 6,7 triệu cổ phiếu VFS được chuyển nhượng, cao hơn so với tổng lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) là 4,5 triệu đơn vị.
Chia sẻ với trong buổi họp báo trực tuyến với báo chí Việt Nam, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast Auto Pte. Ltd., cho biết: "Mức vốn hóa 85 tỷ USD tuy có bất ngờ, nhưng chúng tôi biết rằng giá trị công ty còn nhiều hơn thế”.
Đồng thời, bà lý giải sở dĩ giá trị vốn hóa tăng cao là do VinFast đưa ra cổ phiếu lưu hành đợt này không nhiều, trong khi nhu cầu giao dịch lại rất cao, với số lượng giao dịch tăng lên đến 6,7 triệu cổ phiếu.
“Với 4,5 triệu cổ phiếu trôi nổi nhưng đã có gần 6,9 triệu cổ phiếu khớp lệnh, có thể thấy có nhà đầu tư đã quay vòng luôn. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy nhu cầu lớn, giúp đánh tan những nghi ngờ về việc công ty tự định giá ở mức 23 tỷ USD”, bà Thủy nói.
Thực tế, phần lớn lượng cổ phiếu VinFast nằm trong tay Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng đều đang bị hạn chế giao dịch.
Được biết VinFast có 3 cổ đông chính. Trong đó, Vingroup sở hữu 51%, hai công ty còn lại là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investments Pte. Ltd cũng đều thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm khoảng 48% còn lại.