Cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý 3,3 tỷ hóa đơn điện tử

Thông tin từ lãnh đạo Tổng cục Thuế, từ khi triển khai đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 3,3 tỷ hóa đơn điện tử trên hệ thống.

hoadondientu-antt-1680230674.png

Từ khi triển khai đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 3,3 tỷ hóa đơn điện tử trên hệ thống. Ảnh minh họa

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 30/3, thông tin về kết quả thực hiện hóa đơn điện tử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, sau khi triển khai vào cuối năm 2021, đến nay, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý 3,3 tỷ hóa đơn điện tử trên hệ thống.

Hiện nay, ngành thuế đang tích cực triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, áp dụng chủ yếu cho hệ thống bán lẻ, hệ thống siêu thị lớn… Ngành phấn đấu từ nay đến cuối năm tại 4 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, 100% hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuộc diện sẽ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, song song với đó các doanh nghiệp nằm trong hệ thống chuỗi của doanh nghiệp bán lẻ ở 63 tỉnh, TP cũng sẽ thực hiện.

Ông Minh cũng đánh giá, chương trình hóa đơn điện tử đã được triển khai nhanh chóng, thành công nhờ sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Một trong những ưu điểm của hóa đơn điện tử là lưu vết giao dịch của doanh nghiệp trên hệ thống, phục vụ cho cơ quan thuế đánh giá rủi ro. 

Về thu ngân sách, đại diện Bộ Tài chính cho biết lũy kế thu quý I/2023 ước đạt 491.500 tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022 (trong đó ngân sách trung ương đạt 37,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán).

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; triển khai đầy đủ các giải pháp các chính sách thu ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm trước và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đại diện Bộ Tài chính cho hay: Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch (đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cùng kỳ năm 2022 đạt 11,03% kế hoạch và đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%.

Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%). Có 49/52 Bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%, trong đó có 30 Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Nguyên nhân giải ngân chậm là sau khi được giao vốn, các Bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho dự án; thường đầu năm, các Bộ, ngành tập trung đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; vướng mắc về giải phóng mặt bằng…

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT