Công bố 9 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất lĩnh vực phân phối – bán lẻ

Năm 2023, 9 doanh nghiệp phân phối - bán lẻ nộp ngân sách lớn nhất đã đóng góp tổng cộng hơn 10.600 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh việc đầu tư kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm, các hoạt động xã hội cộng đồng… thì nộp ngân sách cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá những đóng góp của các doanh nghiệp cho đất nước.

Hiện nay, có nhiều bảng vinh danh doanh nghiệp nhưng chưa có danh sách nào phản ánh về tổng nộp ngân sách của doanh nghiệp. Từ thực tế đó, CafeF đã tiến hành xây dựng một bảng danh sách vinh danh các doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất cả nước – PRIVATE 100.

Danh sách chung của PRIVATE 100 gồm tất cả các doanh nghiệp tư nhân có số nộp từ 100 tỷ trở lên. Từ danh sách chung này, chúng tôi tiếp tục xây dựng các danh sách thành phần theo các nhóm ngành cùng với danh sách Top 100 doanh nghiệp dẫn đầu của PRIVATE 100 (PRIVATE 100 – Leading Group) là thứ hạng của 100 doanh nghiệp có số liệu nộp ngân sách lớn nhất.

Tiếp sau Top 10 ngân hàng tư nhânTop 10 công ty chứng khoán tư nhân nộp ngân sách lớn nhất đã được công bố trong tuần trước, CafeF tiếp tục công bố danh sách Top 9 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất trong lĩnh vực phân phối – bán lẻ, bao gồm: Masan Group, PNJ, DOJI, Thế giới di động, FPT Retail, Digiworld, Petrosetco, Tasco và Vimid.

Năm 2023, 9 doanh nghiệp này đã nộp tổng cộng hơn 10.600 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, Masan Group, DOJI, PNJ và Thế giới Di động đều có số nộp trên 1.000 tỷ đồng.

Công bố 9 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất lĩnh vực phân phối – bán lẻ- Ảnh 1.

Nếu như lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán là những ngành kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp trong ngành có hoạt động rất tương đồng nhau thì hoạt động của các danh nghiệp trong Top ngành phân phối – bán lẻ lại rất đa dạng, trải dài ở nhiều mảng khác nhau từ kinh doanh siêu thị (Wincommerce của Masan Group, Bách Hóa Xanh của TGDD), nhà thuốc (Long Châu của FPT Retail), hàng điện tử điện máy (Thegioididong.com, Điện Máy Xanh, FPT Shop, Digiworld, Petrosetco) đến bán lẻ nữ trang (PNJ, DOJI), ô tô (Tasco và Vimid).

Trong số này, Masan Group, DOJI và Tasco là những doanh nghiệp đa ngành nhưng bán lẻ là một trong những mảng chủ đạo.

HOẠT ĐỘNG NĂM 2023

Năm 2023 là một năm ghi dấu một năm nhiều thách thức lớn đối với thị trường bán lẻ. Hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều thách thức đến từ nhiều yếu tố khó lường bên ngoài như tăng trưởng kinh tế chậm lại, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu….

Trong đó, bị ảnh hưởng lớn nhất là phân ngành bán lẻ hàng điện tử từ kết quả của cuộc chiến giá, hiệu ứng thanh lý hàng tồn kho giá cao và nhu cầu thấp. Biên lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp bán lẻ có ngành hàng ICT đều sụt giảm, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc đóng cửa các cửa hàng vật lý không hiệu quả để tối ưu bài toán chi phí.

Tuy nhiên, các phân ngành khác như bách hóa và dược phẩm đã có những bước chuyển khởi sắc. Thực tế từ năm 2023 trong bối cảnh ngành bán lẻ hiện đại gặp khó khăn, thay vì thực hiện kế hoạch mở mới 800 – 1.200 cửa hàng, WinCommerce đã quyết định chuyển trọng tâm từ mở rộng mạng lưới thuần túy sang cải tạo cửa hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm củng cố khả năng cạnh tranh của công ty, đồng thời mang lại mức tăng trưởng về lợi nhuận. Hành động này đã hỗ trợ WCM có lợi nhuận EBIT trong quý 3, quý 4/2023, quý 1/2024 và đưa đến kết quả tốt hơn nữa trong quý 2/2024.

Trong mảng bán lẻ dược phẩm, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là một hiện tượng về tốc độ tăng trưởng phi mã còn trong mảng bán lẻ ô tô, Tasco đã hoàn tất thương vụ mua lại SVC Holdings (nay là Tasco) để trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn nhất nước.

TRIỂN VỌNG NGÀNH BÁN LẺ

Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành vẫn ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).

Triển vọng của ngành bán lẻ năm 2024 được đánh giá tích cực dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế. Trong đó, doanh thu từ bán lẻ tạp hóa dự kiến sẽ tăng trưởng dựa trên chiến lược mở rộng thận trọng và sự thay đổi thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại.

Bán lẻ dược phẩm tiếp tục tăng trưởng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ổn định tại Việt Nam trong nhiều năm.

Đối với bán lẻ trang sức, nhu cầu trang sức được dự đoán sẽ tăng trở lại vào năm 2024, do sở thích mua trang sức tăng lên, đặc biệt là từ giới trẻ; và chi tiêu trang sức bình quân đầu người ngày càng tăng.

Sau đợt sụt giảm mạnh vào năm 2023, các nhà bán lẻ hàng điện tử được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi nhẹ ở nhóm ngành ICT khi cuộc chiến giá rẻ đã hạ nhiệt.

Ngoài ra, đối với bán lẻ xe ô tô, năm 2024, một số chính sách thuế, phí xe ô tô có tác động tích cực đến thị trường. Đối với xe điện, phí trước bạ lần đầu 0% trong 3 năm, giảm thuế TTĐB từ 15% về 3%. Chính sách miễn đăng kiểm lần đầu và tự động gia hạn đăng kiểm đối với xe ô tô mới. Nguồn cung giảm từ phía Nhà sản xuất một mặt là thách thức, song cũng là cơ hội để các Đại lý giữ được lợi nhuận gộp.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam cũng chứng kiến tốc độ người dân thuộc tầng lớp trung lưu và tỷ lệ dân cư thành thị gia tăng nhanh chóng trong những năm vừa qua. Những yếu tố trên đã khiến cho Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ.

Theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo là sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2023-2028 đạt 12,05%, gấp khoảng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP ước tính trong cùng giai đoạn. Tốc độ tăng trưởng dự báo của ngành bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới vượt xa so với các thị trường Đông Á, Đông Nam Á và mức tăng trưởng bình quân của thế giới.

Vì thế, bán lẻ được đánh giá là ngành có nhiều dư địa phát triển, qua đó đóng góp ngày càng lớn hơn vào ngân sách Nhà nước trong tương lai.

PRIVATE 100 – Top Doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam là danh sách được CafeF thu thập từ những nguồn công khai hoặc các số liệu có thể xác thực, phản ánh toàn bộ số thực nộp ngân sách của doanh nghiệp, bao gồm các khoản thuế, phí, các khoản phải nộp. Các doanh nghiệp có số nộp ngân sách trong năm tài chính gần nhất từ 100 tỷ đồng trở lên đều có thể được tham gia vào danh sách. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong danh sách năm 2024, thể hiện số thực nộp của năm tài chính 2023, có thể kể đến như ACB; DOJI; HDBank; LPBank; Masan Group; MoMo; OCB; PNJ; SHB; SSI; Techcombank; TPBank; Tập đoàn Hòa Phát; Vingroup, VNG; VPBank; VIB, VietBank, VPS…(xếp theo thứ tự bảng chữ cái)

Công bố 9 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất lĩnh vực phân phối – bán lẻ- Ảnh 2.

                 

Ban biên tập

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT