Công trình hơn 336.000 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam: Gần 5.000 người làm ngày đêm xuyên lễ cùng công nghệ cao, một số hạng mục vượt tiến độ
Theo Ban Quản lý dự án Cảng HKQT Long Thành, Dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành vẫn duy trì thi công ngày đêm xuyên lễ 30/4 - 1/5.
Sân bay quốc tế Long Thành nằm tại huyện Long Thành (Đồng Nai), có tổng diện tích gần 5.000ha và tổng mức đầu tư lên tới 16 tỷ USD (hơn 336.630 tỷ đồng). Với công suất thiết kế phục vụ cho 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sau khi hoàn thành xây dựng, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước.
Gần 5.000 người thi công ngày đêm xuyên lễ
Ban Quản lý dự án Sân bay Long Thành cho biết, các nhà thầu đã huy động gần 5.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng với hàng nghìn trang thiết bị, máy móc để thi công các gói thầu của dự án xuyên lễ 30/4 - 1/5.
Trên công trường, các công nhân, kỹ sư vẫn duy trì làm việc 3 ca 4 kíp, dàn trải đều ở nhiều hạng mục như nhà ga hành khách, đường giao thông kết nối, đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay…
Trong đó, tại công trường thi công đường giao thông kết nối T1, T2, các kỹ sư, công nhân đang tập trung thi công các trụ cầu, sản xuất dầm super T, cấp phối đá dăm và làm hầm chui dân sinh. Tại hạng mục này, các nhà thầu huy động 630 nhân sự, 196 máy móc làm việc xuyên lễ.
Ở dự án thành phần 2 (các công trình quản lý bay), đại diện Ban quản lý dự án Long Thành cho biết, đã huy động 150 công nhân, kỹ sư làm việc trên công trường, tiến độ dự án đang đảm bảo, một số hạng mục vượt tiến độ so với kế hoạch. Các hạng mục như tháp kiểm soát không lưu, nhà kỹ thuật, trạm radar... đều đã thành hình. Trong đó, một số hạng mục sắp hoàn thiện phần thô.
Tại công trình Đài kiểm soát không lưu, đơn vị thi công đã hoàn thành phần thô bê tông cốt thép đến dầm sàn tầng 10 m. Đến nay, cao độ của tháp kiểm soát không lưu đã đạt cao trình khoảng 70 m. Tiến độ đang vượt 30 ngày để bù vào mùa mưa sắp tới. Dự kiến đến tháng 11, phần bê tông cốt thép tháp không lưu đạt độ cao gần 108 m và đến 30/6/2025 sẽ hoàn thành tháp.
Nhiều công nghệ cao được ứng dụng
ACV cho biết, trên cơ sở tiến độ thi công chi tiết của các gói thầu chính, ACV đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế rà soát tiến độ. Từ đó lập tiến độ thi công của các gói thầu trên đảm bảo phù hợp với tiến độ triển khai của các gói thầu chính đang thi công để tránh tối đa các xung đột, giao cắt, đảm bảo khớp nối tiến độ với các công trình chính, tạo sự đồng bộ giữa các hạng mục về mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
Đặc biệt, ACV phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công áp dụng công nghệ BIM trong quá trình triển khai thiết kế, thi công và trong quá trình quản lý dự án để có các phương án, lường trước các điểm giao cắt giữa các gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ giữa các hạng mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
BIM (Building Information Modeling) là mô hình tiên tiến giúp tạo lập và sử dụng thông tin hiệu quả xuyên suốt dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành công trình. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế cũng như các nhà thầu xây dựng sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính. Mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường, được sử dụng để thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng từ khâu thiết kế, thi công, cho đến khâu vận hành.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh, an toàn, lực lượng chức năng đang triển khai ứng dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt để kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào dự án. Cụ thể, hệ thống camera giám sát, ứng dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt và quét mã QR tích hợp để kiểm soát người ra vào khu vực xây dựng sân bay.
Việc trang bị công nghệ AI giúp nâng cao năng lực quản lý an ninh trật tự, điều phối giao thông tại đại dự án lớn nhất Việt Nam. Ban Quản lý dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho biết, mã QR này được tích hợp trên thẻ an ninh của Ban Quản lý dự án cấp cho tất cả người và phương tiện ra vào sân bay. Chỉ cần quét mã QR một lần thì những lần sau, khi người và phương tiện ra vào cổng máy sẽ tự động quét đồng thời truyền dữ liệu hình ảnh, số lượt ra vào cũng như thời gian ra, vào cổng của mỗi người và phương tiện.