Công ty bán sản phẩm không thể thiếu với hàng chục triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vừa chứng kiến điều chưa từng xảy ra trong một năm qua

Tổng giám đốc điều hành công ty cho rằng, động lực tăng trưởng hiện tại vẫn ở mảng bút viết, dụng cụ văn phòng phẩm, mỹ thuật. Đây là những sản phẩm không thể thiếu với hàng chục triệu học sinh sinh viên Việt Nam.

CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã TLG) - chủ thương hiệu bút bi Thiên Long, mới đây đã công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 với doanh thu ước đạt 1.430 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lãi gộp đạt 43,9% trong 5 tháng, cao hơn so với mức 42,4% cùng kỳ 2023. Nhờ tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ 2023, đạt 183 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu từ nội địa của Thiên Long giảm 14% nhưng doanh thu từ xuất khẩu tích cực tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu giảm đến từ bối cảnh thị trường kinh doanh nội địa khó khăn, phục hồi còn chậm, nhà phân phối vẫn rất thận trọng trong việc nhập hàng hóa.

photo-1719927760569

Năm 2024, Thiên Long lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 380 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 7% so với thực hiện năm ngoái. Cổ tức dự kiến 35%/mệnh giá. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 38% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng giám đốc điều hành Trần Phương Nga cho rằng, động lực tăng trưởng hiện tại của Thiên Long vẫn ở mảng bút viết (sản phẩm không thể thiếu với hàng chục triệu học sinh sinh viên Việt Nam). Bên cạnh đó, các sản phẩm mỹ thuật cũng tiềm năng để đầu tư. Công ty có thể tăng giá bán đối với những sản phẩm có sự sáng tạo, cải tiến bắt mắt hơn thay vì truyền thống.

Thiên Long hiện sản xuất và kinh doanh 4 nhãn hàng gồm Bizner chuyên cung cấp các sản phẩm cao cấp về bút bi, bút máy, bút lông, bút chì. Colokit là nhãn hàng đại diện cho dòng sản phẩm dụng cụ mỹ thuật như bút sáp màu, màu nước, sáp nặn, tập tô màu. Thiên Long là nhóm bút viết và các sản phẩm văn phòng tiện ích. Flexoffice gồm các sản phẩm phục vụ cho giới văn phòng như giấy, file bìa hồ sơ, băng keo, hồ dán...

Sau khi hé lộ số liệu kinh doanh, cổ phiếu TLG bất ngờ có biến động. Cổ phiếu này tăng vọt, có thời điểm chạm trần phiên 2/7 trước khi đóng cửa với mức tăng 6,3% lên 55.600 đồng/cp, cao nhất trong vòng 9 tháng. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng một năm qua kể từ giữa tháng 6/2023. Giao dịch cũng rất sôi động với khối lượng khớp lệnh cao nhất kể từ giữa tháng 3. Vốn hóa thị trường của Thiên Long tương ứng đạt gần 4.400 tỷ đồng.

photo-1719927779038

Cổ đông Thiên Long đã thông qua trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 35% bao gồm 25% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Trong năm 2023, công ty đã thực hiện chi tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền là 15%, tương đương 116,7 tỷ đồng. ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi cổ tức bằng tiền phần còn lại năm 2023 (10%) theo quy định thống nhất thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023.

Bên cạnh đó, Thiên Long dự kiến sẽ phát hành gần 7,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Tỷ lệ thực quyền là 10:1 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có 1 quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, cứ 10 quyền sẽ nhận được thêm 1 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện sau khi được UBCKNN thông báo nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành, dự kiến trong quý 2, 3/2024.

Ngoài ra, Thiên Long còn có kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) nếu doanh thu thuần hợp nhất luỹ kế theo báo cáo tài chính tự lập/kiểm năm 2024 đạt từ 4.000 tỷ đồng trở lên. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 1% x tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty tại thời điểm phát hành.

Hà Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT