Công ty chứng khoán 'họ' FLC bị kiểm toán ngoại trừ loạt vấn đề tại BCTC soát xét bán niên

Tại BCTC soát xét bán niên 2023, Chứng khoán BOS ghi nhận lỗ thêm hơn 100 triệu đồng cùng với đó kiểm toán ghi nhận loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh.

CTCP Chứng khoán BOS (mã ART, UPCoM) vừa công bố BCTC soát xét bán niên 2023 với hàng loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán. Đáng chú ý, công ty này ghi nhận khoản lỗ 7,4 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 111 triệu đồng so với báo cáo tự lập. 

Doanh thu hoạt động ghi nhận gần 2,2 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ. Trong đó, lớn nhất là lãi cho vay và phải thu 1,5 tỷ đồng, giảm 83%; doanh thu môi giới gần 563 triệu đồng, giảm 96%; lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 39,5 triệu đồng nhưng tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/06/2023, tổng tài sản của Công ty này gần 168 tỷ đồng, thu hẹp hơn 5% so với đầu năm. Trong đó, kiểm toán có loạt ý kiến ngoại trừ về các khoản mục gồm các khoản phải thu khác, các khoản cho vay ký quỹ, trích lập/dự phòng đối với các khoản đầu tư góp vốn.

Thứ nhất, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về số dư khoản phải thu khác của Công ty bao gồm khoản đặt cọc còn lại mua cổ phần của CTCP Quản lý quỹ Unicap với giá trị 63,5 tỷ đồng từ năm trước chuyển sang.

Về vấn đề này, Chứng khoán BOS cho biết công ty và các bên liên quan đã ký Biên bản thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, Công ty đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu bên liên quan hoàn trả tiền đặt cọc nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi cũng như chưa được hoàn trả khoản tiền đặt cọc này; và hiện tại Công ty vẫn gửi văn bản hàng tháng đến các bên có liên quan. 

Thứ hai, kiểm toán ngoại trừ liên quan đến số dư khoản cho vay, gồm khoản cho vay ký quỹ mã chứng khoán GAB với giá trị hơn 114,4 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán không đánh giá được tính hiện hữu khoản vay này tại 01/01/2023 và 30/06/2023.

cong-ty-chung-khoan-lien-quan-den-flc-bi-kiem-toan-ngoai-tru-loat-van-de-tai-bctc-soat-xet-ban-nien-1700537875.png
Nguồn: ART

Chứng khoán BOS giải trình, mã chứng khoán GAB trên sàn HoSE đã không có giao dịch ngay sau khi Cơ quan điều tra thực hiện điều tra vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”; sau đó, mã GAB bị dừng giao dịch, hủy niêm yết nên Công ty đã không thể xử lý bán chứng khoán ký quỹ để thu hồi khoản nợ. Công ty đã ghi nhận vào doanh thu khoản tiền lãi phát sinh từ việc cho vay ký quỹ này gần 16,7 tỷ đồng. Công ty đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu khách hàng thanh toán nợ (gốc và lãi). Song, đến nay chưa có phản hồi và cũng chưa thu được khoản nợ nêu trên.

Thứ ba, kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ về việc không đánh giá được tính hiện hữu của số dư nêu trên tại 01/01/2023 và 30/06/2023 cũng như việc trích lập dự phòng toàn bộ vào chi phí của năm 2022 có hợp lý hay không; đồng thời, đơn vị kiểm toán cũng không đánh giá được tính hợp lý của giao dịch cũng như số dư của khoản mục tài sản thiếu chờ xử lý có giá trị 467 tỷ đồng.

cong-ty-chung-khoan-lien-quan-den-flc-bi-kiem-toan-ngoai-tru-loat-van-de-tai-bctc-soat-xet-ban-nien-2-1700537835.png
Nguồn: ART

Theo giải trình, đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (mã MSB, sàn HoSE). Ngày 06/04/2022, MSB đã tạm thu giữ các khoản tiền gửi có kỳ hạn của BOS. Hiện tại, BOS đang đề nghị MSB phối hợp làm rõ vấn đề này.

ĐHĐCĐ và HĐQT đã có nghị quyết về việc đánh giá 3 khoản trên tạm thời chưa có khả năng thu hồi và thực hiện trích lập dự phòng 100% giá trị mỗi khoản trên BCTC.

Thứ tư, kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ về việc công ty đánh giá lại/trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư góp vốn vào CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất Động Sản FLCHOMES (FHH) và CTCP Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (FCA) (đầu tư từ các năm trước). Công ty đã đánh giá khoản tổn thất đầu tư và đã thực hiện trích lập dự phòng 100% giá trị, tương ứng gần 210 tỷ đồng vào BCTC năm 2022.

"Chúng tôi không xác định được giá trị khoản tổn thất trên là vào thời điểm nào nên không xác định được việc ghi nhận khoản tổn thất trên vào năm 2022 có phù hợp hay không", kiểm toán kết luận.

Ý kiến ngoại trừ cuối cùng, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu cung cấp dịch vụ chứng khoán liên quan với các doanh nghiệp mà các người đại diện pháp luật là các đối tượng bị khởi tố vụ án và các cá nhân bị khởi tố trong vụ án khoảng trên 4 triệu đồng. 

Chứng khoán BOS cho biết hiện nay chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra nên Công ty chưa có cơ sở để xác định được giai đoạn, thời điểm và giá trị doanh thu liên quan đến vụ việc thao túng chứng khoán nêu trên nên không có cơ sở xử lý. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phán quyết, Công ty sẽ thực hiện điều chỉnh theo các phán quyết có liên quan.

Ngoài nêu ý kiến ngoại trừ, kiểm toán còn chỉ ra 4 vấn đề cần nhấn mạnh.

Thứ nhất, người đại diện pháp luật của Công ty chưa được chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Chứng khoán BOS giải trình: Theo điều lệ của Công ty, thì người đại diện pháp luận là Chủ tịch HĐQT và theo nghị quyết HĐQT ngày 10/04, bà Lê Thị Trúc Quỳnh đã được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm lập BCTC, công ty đã gửi hồ sơ thay đổi người đại diện đến UBCKNN nhưng chưa được chấp thuận bằng văn bản về việc này.

Thứ hai, liên quan đến Vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạn tài sản xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC (FLC), CTCP Chứng khoán BOS, CTCP Xây dựng Faros (ROS) và các công ty liên quan.

BOS cho biết, một số cá nhân lãnh đạo Công ty đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bắt tạm giam để thực hiện điều tra vụ án trên. Cho đến thời điểm hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan tố tụng vẫn đang trong quá trình giải quyết vụ án và chưa có phán quyết cuối cùng.

Ban lãnh đạo Công ty khẳng định việc khởi tố các các nhân nêu trên chỉ liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình thực hiện công việc của Công ty.

Thứ ba, kiểm toán nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế trên 828,4 tỷ đồng của Công ty. Vấn đề này BOS thông tin rằng đến thời điểm phát hành BCTC bán niên 2023, Công ty có một số sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán, dẫn đến liên quan đến việc thu hẹp hoạt động kinh doanh của Công ty hiện nay và trong thời gian tới.

cong-ty-chung-khoan-lien-quan-den-flc-bi-kiem-toan-ngoai-tru-loat-van-de-tai-bctc-soat-xet-ban-nien-3-1700537797.png
Nguồn: ART

Ban lãnh đạo Công ty đang tập trung nhiều nguồn lực giải quyết các vấn đề liên quan để Công ty có thể hoạt động bình thường, tình hình tài chính hiện tại Công ty hoàn toàn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, do đó, BCTC vẫn được lập trên giả định hoạt động liên tục.

Cuối cùng, kiểm toán nhấn mạnh khoản chênh lệch thu nợ giải ngân nghiệp vụ cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán nằm trên các tài khoản của nhà đầu tư.

Khoản tiền thu nợ của nhà đầu tư chủ yếu đang nằm trên các tài khoản ngân hàng khác ngoài BIDV và người đại diện pháp luật chưa được UBCKNN chấp thuận để có thể chuyển tiền từ tài khoản của nhà đầu tư về tài khoản của Công ty với giá trị tại ngày 30/06/2023 là khoảng 30,2 tỷ đồng. Công ty coi khoản này như khoản tương đương tiền trên báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/06/2023 của Công ty.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT