Công ty khai thác vàng đầu tiên trên sàn chứng khoán: 3 năm không có doanh thu, lỗ lũy kế 94,5% vốn

Kể từ khi chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán, Vàng Lào Cai - GLC liên tục thua lỗ, lũy kế đến cuối 2022 ăn mòn 94,5% vốn góp chủ sở hữu. Không những vậy, 3 năm qua, công ty này không ghi nhận doanh thu.

cong-ty-khai-thac-vang-dau-tien-tren-san-chung-khoan-co-cau-co-dong-thay-doi-4-nam-khong-co-doanh-thu-antt-1694247216.jpg

Một góc mỏ vàng Minh Lương. Ảnh: thanhtra

CTCP vàng Lào Cai (MCK: GLC) đang được quan tâm trở lại khi thông tin ông Cao Trường Sơn- cổ đông lớn thứ 2 tại Petrosetco, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất tại vàng Lào Cai đang được lan truyền rộng rãi.

Theo tìm hiểu, công ty này có biến động rất lớn kể từ năm 2019, đến nay, tình hình doanh nghiệp vẫn không có dấu hiệu tốt lên. 

Các cổ đông sáng lập "dứt áo ra đi"

CTCP vàng Lào Cai được thành lập năm 2007 với số vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng, trên cơ sở 5 cổ đông tham gia góp vốn ban đầu là: Tổng công ty khoáng sản - Vinacomin (nay là Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP) (33%); Công ty TNHH Nhà nước MTV khoáng sản 3 (nay là Công ty cổ phần Khoáng sản 3 – Vimico) (27%); Công ty Khoáng sản Lào Cai (15%); Công ty TNHH Thái Nguyên (15%) và Công ty Đông Bắc (10%).

Đến năm 2016, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên mức 105 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông có sự thay đổi, trong đó Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (46,14%); Công ty CP khoáng sản 3 – Vimico (21,71%); Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bitexco (6,43%); Công ty TNHH MTV 86 (4,29%); Công ty TNHH Xây dựng và XNK Hoàng Liên (9,52%); ngoài ra còn 2 cổ đông cá nhân là bà Phạm Thanh Hoa và ông Trần Văn Xuất.

Ngày 9/1/2019, CTCP vàng Lào Cai chính thức được niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán GLC, đây cũng là công ty khai thác vàng đầu tiên được niêm yết. Nhưng chỉ sau gần 1 tháng cổ phiếu được niêm yết, cổ đông sáng lập "dứt áo ra đi" tại GLC. 

Thời điểm đó, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc vì sao các cổ đông lớn lại vội vàng thoái vốn khi GLC chỉ vừa mới lên sàn, thậm chí còn chưa kịp được sự quan tâm của giới đầu tư.

Trong khi các tổ chức thoái vốn khỏi GLC thì một số cá nhân đã mua vào lượng lớn cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn của Công ty.

cong-ty-khai-thac-vang-dau-tien-tren-san-chung-khoan-co-cau-co-dong-thay-doi-4-nam-khong-co-doanh-thu-antt-1694248444.png
Ảnh chụp màn hình báo cáo thường niên 2022 của GLC.

Tính đến ngày 31/12/2022, GLC có 4 cổ đông lớn là các cá nhân nắm giữ tổng 88,96% vốn điều lệ. Cụ thể, ông Cao Trường Sơn (23,29%), ông Đỗ Tuấn Thịnh (22,86%), ông Phạ‌m Anh Tuấn (20,09%), ông Uông Huy Giang (22,91%). Đáng chú ý, tất cả cổ đông lớn của Vàng Lào Cai không tham gia vào bộ máy lãnh đạo và quản lý. Còn một cổ đông lớn tổ chức là Khoáng sản Bitexco.

Kể từ khi thành lập đến nay, chức năng nhiệm vụ chủ yếu của GLC là thực hiện Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng (quy đổi) 82 gam Au/tấn: Sản lượng thiết kế (max) 7.450 tấn/năm, tương đương với sản lượng khai thác khoảng 95.000 tấn quặng nguyên khai/năm, khai thác bằng phương pháp hầm lò; tuyển thu hồi tinh quặng vàng bằng phương pháp tuyển trọng lực kết hợp tuyển nổi; Sản lượng Tinh quặng vàng quy đổi ra vàng kim loại (sản lượng cao nhất được phép) là 500kg vàng kim loại/năm.

Tuy nhiên, Giấy phép khai thác khoáng sản của công ty có thời hạn từ 19/12/2016 đến 26/4/2019. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến các cổ đông tổ chức ồ ạt thoái vốn tại GLC.

Không doanh thu, lỗ ăn mòn vốn

Sau khi các cổ đông lớn lần lượt thoái vốn, đặc biệt thương vụ thoái sạch 46,14% vốn của TKV tại vàng Lào Cai vào thời điểm tháng 2/2019 đã khiến công ty gặp nhiều xáo trộn và khó khăn. Việc tá‌i cấ‌u trúc bộ máy quản lý gặp trở ngại lớn khi hầu hết nhân sự cũ của công ty đồng loạt ngh‌ỉ việc.

Trong hơn nửa thời gian cuối năm 2019 là lúc vàng Lào Cai ngừng khai thác do giấy phép khai khoáng hết thời hạn, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút.

Kết thúc năm 2019 doanh thu thuần của công ty đạt 11,25 tỷ đồng, giảm tới 90% so với năm 2018 và ghi nhận lỗ 15,6 tỷ đồng chủ yếu do công ty vẫn phải chi các khoản chi liên quan quản lý doanh nghiệp dù hoạt động khai thác bị tạm dừng.

Về sản lượng khai thác, kế hoạch năm 2019 là khai thác 19.000 tấn quặng với hàm lượng vàng ước tính 137,4kg. Tuy nhiên thực tế sản lượng khai thác năm 2019 chỉ gần 747,6 tấn quặng với hàm lượng vàng 7,3 gam/tấn, tương ứng quy ra vàng kim loại đạt 5,46kg, chỉ bằng 3,9% kế hoạch năm.

Trước đó, năm 2016 và 2017, doanh thu của công ty lần lượt xấp xỉ 100 tỷ đồng và 98 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh thu của GLC lên đến 111 tỷ đồng với lượng tinh quặng vàng tiêu thụ đạt 207,51 tấn, tương ứng quy ra vàng kim loại đạt 139,9kg.

Mặc dù doanh thu cao nhưng lãi thu về hàng năm lại không lớn. Các năm 2016 và 2017 công ty ghi nhận lãi đạt lần lượt 8,8 và 5,2 tỷ đồng. Năm 2018 lãi lớn hơn với hơn 17 tỷ đồng. 

Tuy vậy, đến cuối năm 2018, GLC đã lỗ luỹ kế 37,8 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 8,9 tỷ đồng làm nghi ngờ tính hoạt động của công ty trong tương lai gần.

Từ tháng 4/2019 đến nay, khi giấy phép khai khoáng hết hạn, công ty đã nỗ lực xin gia hạn giấy phép, nhưng vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan mà việc gia hạn giấy phép vẫn chưa hoàn thành dẫn tới GLC phải ngừng hoạt động khai thác đồng nghĩa với việc công ty không có doanh thu.

cong-ty-khai-thac-vang-dau-tien-tren-san-chung-khoan-co-cau-co-dong-thay-doi-4-nam-khong-co-doanh-thu-antt-1694248642.png
Kể từ khi giấy phép khai khoáng hết hạn vào tháng 4/2019, GLC phải dừng khai thác dẫn đến nhiều năm không có doanh thu. Ảnh chụp màn hình

Theo báo cáo tài chính năm 2022, tính đến cuối năm, công ty đang có 22 nhân viên đang làm việc. Trong năm, công ty tiếp tục không có doanh thu nhưng các chi phí hoạt động vẫn phát sinh, từ đó GLC ghi nhận lỗ hơn 9 tỷ đồng và lỗ luỹ kế 99,3 tỷ đồng, tương ứng 94,53% vốn điều lệ công ty.

Nợ ngắn hạn tại thời điểm kết thúc năm 2022 đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 18,6 tỷ đồng. Tất cả những yếu tố này khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Ngoài ra, kiểm toán cũng nêu ý kiến ngoại trừ các khoản công nợ ‘phải trả người bán ngắn hạn’ với giá trị 1,17 tỷ đồng chưa được đối chiếu xác nhận đầy đủ.

Theo thuyết minh, khoản công nợ phải trả ngắn hạn này đến từ CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Hương Giang (359,4 triệu đồng); CTCP Chứng khoán Sài Gòn (330 triệu đồng); CTCP Tư vấn và Xây dựng An Bình ( 245,3 triệu đồng); CTCP Đầu tư Xây dựng Năng lượng (88,3 triệu đồng); phải trả các đối tượng khác 147,6 triệu đồng.

Để bổ sung vốn lưu động, công ty phải vay vốn từ CTCP Tư vấn đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình CIC) với lãi suất 15%/năm, tổng dư nợ gốc tại ngày 31/12/2022 là 16,3 tỷ đồng. Đây là khoản cấp tín dụng có hạn mức 50 tỷ đồng. Cần phải biết rằng, Ba Đình CIC trong những năm qua tình hình tài chính cũng không mấy khả quan khi nhiều dự án bị nhắc tên vì chậm tiến độ. Thế nhưng, công ty này lại dành 50 tỷ đồng để cho GLC vay là một dấu hỏi lớn.

Theo Báo cáo của GLC, Chủ tịch HĐQT bà Đoàn Thị Yến Châu cũng đồng thời là Tổng Giám đốc tại CTCP Tư vấn đầu tư Xây dựng Ba Đình. Hiện nay, bà Châu đã không còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT GLC, người thay thế vị trí bà Châu là ông Nguyễn Tiến Đức.  Tuy nhiên, giám đốc GLC hiện nay bà Hoàng Thị Quế được biết đến là trợ lý Tổng giám đốc Ba Đình CIC. Còn ông Vũ Nhâm Phát (SN 1955) là kế toán trưởng ở cả GLC và Ba Đình CIC, ngay cả vị trí Trưởng Ban kiểm soát cũng là nhân sự của Ba Đình CIC.

4 cá nhân là cổ đông lớn mang gần 100 tỷ đồng đầu từ vào Vàng Lào Cai, song những năm qua công ty kinh doanh thua lỗ nhưng những nhà đầu tư này dường như không có động thái can thiệp. Vì sao các nhà đầu tư này lại "hờ hững" như vậy?

Một dữ liệu của PV cho thấy, các nhà đầu tư này ít nhiều có quan hệ với một công ty chứng khoán và công ty chứng khoán này cũng đã "cài cắm" nhân sự vào GLC mà chúng tôi sẽ làm rõ trong những kỳ tiếp theo...

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT