Công ty nào dẫn đầu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới trong 4 tháng đầu năm?

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bảo Việt nhân thọ dẫn đầu khi chiếm 17,9% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng đầu năm, Dai-ichi ở vị trí thứ 2 chiếm 15,3%; Prudential chiếm 14,6% và Manulife lùi sâu về vị trí thứ 4, với 10,3%.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố thông tin tổng quan về thị trường bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2024. 

Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 4 tháng ước đạt 71.047 tỷ đồng, giảm 4,16% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới đạt 7.290 tỷ đồng

Đối với bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng đầu năm ước đạt 7.290 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, Bảo Việt nhân thọ dẫn đầu khi chiếm 17,9%, Dai-ichi ở vị trí thứ 2 khi chiếm 15,3%; Prudential chiếm 14,6%. Manulife lùi sâu về vị trí thứ 4, chiếm 10,3% thị phần, trước đó, doanh nghiệp này nhiều năm đứng đầu bảng về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.

Nhóm phía sau chỉ chiếm thị phần dưới 10% gồm: AIA (6,1%), FWD (6,1%), Sun Life (5,7%), Generali (5,4%), Chubb (5,4%), Cathay (4,4%), MB Ageas (4,2%). 08 doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần 4,6%.

nhung-cong-ty-nao-dan-dau-doanh-thu-phi-bao-hiem-nhan-tho-khai-thac-moi-4-thang-dau-nam-1719575079.jpeg
Ảnh minh họa

Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỉ trọng lớn nhất, đạt 69% doanh thu phí khai thác mới. Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỉ trọng 8%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỉ trọng 6,4%, các nghiệp vụ còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe) chiếm tỉ trọng 0,6%. Doanh thu phí sản phẩm bảo hiểm bán kèm chiếm tỉ trọng 16%.

So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư giảm 42,1%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp tăng 255,5%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng 65,8%.

Về số lượng hợp đồng khai thác mới 4 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết ước đạt 510.977 hợp đồng, dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỉ trọng lớn nhất (52,5%) với 268.453 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm.

Tiếp theo là sản phẩm bảo hiểm tử kỳ với 188.641 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 36,9%), nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp là 29.749 hợp đồng (chiếm tỷ trọng 5,8%). Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 4,7%.

Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ

Tính chung toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 4 tháng đầu năm 2024, số lượng hợp đồng có hiệu lực (không bao gồm hợp đồng sản phẩm bảo hiểm bán kèm) đạt 12.152.060 hợp đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 44.681 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm cụ thể như sau: Bảo Việt Nhân thọ (23,1%), Manulife (16,6%), Prudential (14,9%), Dai-ichi (13,1%), AIA (10,3%), Chubb (3,2%), MB Ageas (2,9%), FWD (2,8%), Sun Life (2,7%), Generali (2,5%), Hanwha (2,5%), Cathay (2,3%), MVI (1,4%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 26.366 tỉ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 4 tháng ước đạt 6.515 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 24,71%, cao hơn tỉ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2023 khoảng 3,79%.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT