CPI tháng 7 tăng 0,48%, chỉ số giá của nhóm hàng hóa nào tăng cao nhất?

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội cho biết, những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng so với tháng trước là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.

CPI tháng 7 tăng 0,48%, chỉ số giá của nhóm hàng hóa nào tăng cao nhất?- Ảnh 1.

Theo đó, (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%.

Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá. Cụ thể, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, giá dịch vụ chăm sóc người già tăng 2,5% so với tháng trước; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,47%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,24%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,3%. Ở chiều ngược lại, giá đồ trang sức giảm 0,44% theo giá vàng trong nước; máy dùng điện cho chăm sóc cá nhân giảm 0,08%.

- Nhóm giao thông tăng 1,45% (làm cho CPI chung 0,14 điểm phần trăm). Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. 

Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng... Riêng giá nhóm phương tiện đi lại giảm 0,18% so với tháng trước.

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5% chủ yếu do các nguyên nhân sau: Giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22%. Giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,2%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08%. Riêng giá gas giảm 0,01% so với tháng trước do một số cửa hàng giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực giảm 0,03%; thực phẩm tăng 0,31% (làm cho CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,25%.

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,23%; nhà khách, khách sạn tăng 0,43% do tháng Bảy học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.

photo-1722220318266

Tốc độ tăng CPI tháng 7/2024 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,19%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,08%. Nguyên nhân do trong tháng 7/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% do nhu cầu tiêu dùng tăng khi thời tiết nắng nóng, cụ thể: Giá nước giải khát có gas tăng 0,22%; nước quả ép tăng 0,16%; bia các loại và nước uống tăng lực đóng chai, lon, hộp cùng tăng 0,08%; rượu các loại tăng nhẹ 0,02%. Giá thuốc hút tăng 0,2% so với tháng trước.

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07% do chi phí nhân công tăng. Trong đó, dịch vụ sửa chữa máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,42% so với tháng trước; dịch vụ sửa chữa máy giặt tăng 0,31%; sửa chữa thiết bị có động cơ tăng 0,12%; máy giặt tăng 0,22%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,17%; thuê người phục vụ tăng 0,16%. 

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm như: Giá máy đánh trứng, máy trộn đa năng giảm 1,28%; bếp gas giảm 0,32%...

- Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03% do chi phí vận chuyển và nhân công tăng. Trong đó, giá dịch vụ giày, dép tăng 0,37%; dịch vụ may mặc tăng 0,21%; vải các loại tăng 0,19%; mũ nón tăng 0,16%; giày dép tăng 0,07%.

- Nhóm giáo dục tăng 0,02%, trong đó giá sản phẩm từ giấy tăng 0,4%; bút viết các loại tăng 0,15%; sách giáo khoa tăng 0,05%.

Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm. Trong đó, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,39% so với tháng trước; giá sửa chữa điện thoại tăng 0,19%.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT