Cụ bà huy động người thân 2 tỷ đồng gửi vào tài khoản ngân hàng, lúc "hoàn hồn" phát hiện mất sạch tiền: Chiêu lừa thao túng tâm lý tinh vi

Cụ bà nhận được cuộc gọi từ người xưng là công an thông báo bà đang có lệnh bắt giữ liên quan đến đường dây buôn ma túy. Lo sợ, cụ bà đã mở tài khoản ngân hàng, huy động từ người thân 2 tỷ đồng. Đến khi hoàn hồn, cụ bà nhận ra mình bị lừa.

Cụ bà mất 2 tỷ vì bị thao túng tâm lý 

Theo công an Cần Thơ, trước đó vào tháng 2/2024, bà T.M.A (68 tuổi) ngụ tại Cần Thơ nhận được một cuộc gọi từ người giọng nam xưng là công an thông báo bà đang có lệnh bắt của Viện kiểm sát liên quan đến một đường dây buôn ma túy ở TP.HCM. Người trong điện thoại yêu cầu bà M.A mở tài khoản ngân hàng và thực hiện chuyển 2 tỷ để được "bảo lãnh". 

Thấy đối tượng thông báo đầy đủ thông tin cá nhân, số căn cước cá nhân khiến bà T.M.A dù bán tín bán nghi vẫn thực hiện theo. Bà T.M.A huy động, vay mượn người thân, bạn bè gửi tiền vào số tài khoản mới mở và làm theo chỉ dẫn của kẻ gian. Đến khi nhận ra bị lừa, bà đã đến cơ quan công an trình báo. Tuy nhiên, tất cả tiền trong tài khoản mới mở của bà đã bị chuyển đi cho các đối tượng lừa đảo.

Hay mới đây nhất, theo thông tin từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Phòng giao dịch huyện Cam Lộ, bà X. (Quảng Trị) trước đó nhận được một cuộc gọi video qua mạng xã hội. Qua trao đổi, nhân viên ngân hàng biết được bà X bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại qua zalo video. Trong đó, đối tượng lừa đảo mặc các trang phục của lực lượng công an, viện kiểm sát. Các đối tượng nói bà X liên quan đến một vụ án ma túy lớn và sẽ tạm giam bà X 90 ngày. 

Sau đó, các đối tượng yêu cầu bà phải rút toàn bộ tiền tiết kiệm rồi chuyển vào số tài khoản do chúng cung cấp, nếu không làm theo sẽ cho lực lượng Cảnh sát 113 đến bắt. Do hoang mang lo sợ nên bà X đã thực hiện theo yêu cầu của chúng. Tuy nhiên, trường hợp bà X may mắn hơn khi nhân viên giao dịch ngân hàng phát hiện ra sự bất thường và kịp thời ngăn chặn. 

 Thực tế, dù có nhiều khuyến nghị nhưng tình trạng người dân nhận được các cuộc gọi lạ, đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm hay chuyển khoản đi diễn ra ngày càng nhiều. Các đối tượng lừa đảo nhắm tới những người dân từ trung tuổi trở lên, dễ bị cảm xúc chi phí. 

Các ngân hàng đồng loạt cảnh báo về lừa đảo 

Theo Cục An ninh Mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng lên tới khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Trước tình trạng này, mới đây, ngân hàng Vietcombank phát đi khuyến nghị về chiêu thức "thao túng tâm lý" của nhóm đối tượng lừa đảo khiến người dân mất tiền. Theo ngân hàng này, đối tượng lừa đảo thường thao túng tâm lý, đe dọa, ép buộc người dân thực hiện hành vi như cung cấp toàn bộ thông tin bảo mật được ngân hàng cung cấp. Đây là lý do mà nhiều người dân bị tiền trong tài khoản. 

Trong khi đó, ngân hàng BIDV cũng phát đi thông tin về việc một số khách hàng nhận được tin nhắn SMS có brandname (thương hiệu) BIDV thông báo trúng thưởng, tặng quà, ưu đãi lớn… và gửi kèm đường link để khách hàng nhập các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản. BIDV cảnh báo thực chất đây là đường link giả mạo, lừa đảo để khách hàng tiết lộ thông tin thẻ, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng Sacombank cũng khuyến nghị khách hàng về tình trạng đối tượng lừa đảo liên tục sử dụng những công nghệ mới để chiếm quyền kiểm soát điện thoại người dùng và thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, trong đó nghiêm trọng nhất là chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Khác so với trước, các đối tượng không chỉ nhắm vào người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android mà người dùng iPhone (iOS) cũng đã nằm trong danh sách nhắm đến của các đối tượng lừa đảo.

Một số thủ đoạn được Sacombank cảnh báo là kẻ gian có thể giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng; cung cấp link và dẫn dụ khách hàng nhấn vào để cài đặt ứng dụng giả mạo của cơ quan nhà nước, ngân hàng, yêu cầu cấp quyền theo dõi thiết bị, từ đó điều khiển điện thoại của người dùng từ xa, lấy cắp danh bạ và thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, thậm chí là mạo danh để lừa đảo.

Ngân hàng TPBank cũng đưa ra cảnh báo các chiêu thức lừa đảo nhằm vào hệ điều hành iOS và Android tương tự. 

Theo khuyến cáo của cơ quan công an và các ngân hàng, chủ tài khoản không cung cấp các thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mã OTP, số thẻ, mã CVV, mật khẩu tài khoản... cho các đối tượng lạ. Bên cạnh đó, không truy cập (gõ mật khẩu đăng nhập) vào các đường link lạ; không cài các app lạ không rõ chức năng, xuất xứ vào thiết bị di động có app ngân hàng.

Tùng Lâm

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT