“Cú đấm kép” từ suy thoái đến bùng nợ: Các công ty cho vay tiêu dùng "mất" 50-70% lãi, Shinhan Finance thua lỗ kỷ lục sau 5 năm đến Việt Nam

Suốt từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi bùng nợ.

Từng là "gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng mẹ VPBank, Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) 2 năm gần đây trở thành "gánh nặng" thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế.

Năm 2023, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB, lũy kế cả năm FE Credit lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng, lỗ thêm 408 tỷ đồng so với mức lỗ của năm 2022.

Theo thông tin từ VPBank, ngân hàng đang tái cấu trúc FE Credit. Do đó, dù chưa đóng góp về lợi nhuận song 6 tháng cuối năm FE Credit đã không còn góp lỗ. Trước đó, trong nửa đầu năm 2023, FE Credit lỗ sau thuế tới 2.996 tỷ đồng.

FE Credit được thành lập vào tháng 2/2015, là công ty con 100% vốn của VPBank. Tháng 10/2021, VPBank hoàn tất bán điều kiện vốn 49% của FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - công ty con của tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cũng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.

Thua lỗ nặng nề còn có Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance). Năm 2023, Shinhan Finance lỗ sau thuế gần 463 tỷ đồng; trong khi năm 2022 lãi 312 tỷ đồng. Đáng nói, đây là khoản lỗ đầu tiên kể từ khi ra mắt thương hiệu Shinhan Finance tại thị trường Việt Nam vào năm 2019.

Tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Shinhan Finance đạt gần 2.450 tỷ đồng, tổng tài sản vào mức 11.808 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Shinhan Finance cũng giảm từ mức 26,16% hồi đầu năm xuống còn 21,41%.

Tương tự, Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) cũng lỗ sau thuế 963 tỷ, trong khi năm 2022 vẫn lãi 127 tỷ đồng.

Được biết, ngoài sự sụt giảm nhu cầu vay do suy thoái kinh tế, trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu/nợ bị "bùng" cũng là nguyên nhân chính "ăn mòn" lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng năm qua.

“Cú đấm kép” từ suy thoái đến bùng nợ: Các công ty cho vay tiêu dùng

Ảnh: FE Credit lấy chỉ tiêu LNTT theo báo cáo của Chứng khoán MB, các bên còn lại là chỉ tiêu LNST (Đvt: Tỷ đồng).

Đơn cử, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm qua giảm đến 70%, xuống còn 19 tỷ đồng trong năm 2023. Phía VietCredit cho biết, thu nhập từ lãi, thu nhập từ hoạt động dịch vụ năm qua giảm do Công ty tiếp tục xuất toán thêm các thu nhập liên quan tới các khách hàng có khoản vay quá hạn nhằm đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thận trọng khi ghi nhận doanh thu.

BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của VietCredit thể hiện, thu nhập lãi thuần có sự sụt giảm xuống còn 915,8 tỷ đồng. Theo Viet Credit, sự giảm sút này một phần đã được bù đắp thông qua thu nhập từ hoạt động xử lý nợ xấu.

Năm qua, VietCredit cũng tăng gấp đôi trích lập dự phòng khoản vay của khách hàng.

“Cú đấm kép” từ suy thoái đến bùng nợ: Các công ty cho vay tiêu dùng

Hay Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit), 2023 là năm Công ty có mức lợi nhuận thấp nhất 3 năm với 240 tỷ đồng - giảm 75% so với năm 2022. Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch HĐTV MCredit từng nhấn mạnh việc thu hồi nợ xấu sẽ dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chất lượng xử lý nợ của Công ty.

Là một trong những đơn vị Top đầu thị trường, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit) – cũng không tránh khỏi "cú đấm kép" khi giảm hơn 68% lợi nhuận xuống còn 375 tỷ đồng.

Ước tính tổng tài sản của Home Credit Việt Nam vào cuối năm 2023 là 25.594 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) của công ty vào cuối năm 2023 ở mức gần 25%, cao hơn đáng kể so với yêu cầu là 9%.

Được biết, tình trạng khách hàng đua nhau "bùng nợ" của công ty tài chính là câu chuyện nóng của năm 2023. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10 - 15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.

Nguyên nhân khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng, theo lãnh đạo Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, là do nạn bùng nợ. Suốt từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi bùng nợ.

Chia sẻ tại Hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào?" sáng ngày 30/11/2023, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng quan hệ cho vay và thu nợ của các công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Tình trạng người vay bùng nợ đang là vấn đề nhức nhối của xã hội.

Thậm chí, theo chia sẻ từ ông Marcin Figlus - Giám đốc khối quản trị rủi ro Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit): "Nếu như năm 2019 và 2020, công ty chúng tôi chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận".

Tri Túc

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT