Cú sốc tại Mỹ của TSMC: Xung đột văn hóa khiến đôi bên thất vọng, nhà máy sau 4 năm chưa thể bán chip, công nhân Mỹ phải tới châu Á đào tạo lại

Lãnh đạo TSMC thừa nhận để thành công ở Mỹ không phải dễ dàng.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), một trong những nhà sản xuất chip máy tính tiên tiến lớn nhất thế giới, vào tháng 5 năm 2020 đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở mới tại ngoại ô Phoenix. Thế nhưng 4 năm sau, công ty này vẫn chưa thể bán chất bán dẫn được sản xuất tại Arizona.

Sự hiện diện của một công ty Đài Loan tại tiểu bang vốn được coi là chiến thắng toàn diện: thúc đẩy sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ, đồng thời đa dạng hóa hoạt động sản xuất của TSMC. TSMC đã cam kết đầu tư 65 tỷ USD cho dự án này, sau đó nhận được khoản trợ cấp 6,6 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS.

“Arizona là thử nghiệm đầu tiên trong quá trình phát triển siêu nhà máy tại nước ngoài của chúng tôi, Tất nhiên, đó là cả một quá trình học tập”, Chủ tịch TSMC Mark Liu nói và cho biết dự án này có thể quyết định xem liệu TSMC có thể chuyển mình thành một công ty đa quốc gia thực sự hay không.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã lo ngại về sự phụ thuộc của nước này vào TSMC. Gina M.Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói rằng Mỹ mua 92% chip "hàng đầu" từ Đài Loan. Nhà máy TSMC ở Arizona theo đó chính là phép thử cho những nỗ lực của Mỹ nhằm đa dạng hóa sự phụ thuộc của mình vào chip sản xuất tại nước ngoài.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), TSMC đã hoàn thiện một quy trình sản xuất cực kỳ phức tạp: mạng lưới các kỹ sư lành nghề, các nhà cung cấp chuyên biệt và vốn đầu tư từ chính phủ. Tuy nhiên, kế hoạch đưa tất cả những thành tựu trên sang Mỹ lại thách thức hơn những gì các chuyên gia tưởng tượng.

Richard Liu, giám đốc truyền thông và quan hệ nhân viên tại công ty cho biết: “Chúng tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng hoạt động tốt ở Đài Loan không có nghĩa là sẽ hoạt động tốt tại Mỹ”.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, 12 nhân viên TSMC cho biết xung đột văn hóa giữa các nhà quản lý Đài Loan và công nhân Mỹ đã khiến đôi bên thất vọng. TSMC nổi tiếng với điều kiện làm việc nghiêm ngặt. Công nhân Mỹ thường xuyên bị gọi đi làm việc giữa đêm trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều người bất đồng quan điểm đã quyết định nghỉ việc.

“TSMC đã quen với việc xử lý mọi thứ như ở Đài Loan. Ở Mỹ, sẽ có sự khác biệt”, Charles Lee, đồng giám đốc điều hành Topco, nói.

Ở quê nhà, TSMC có hàng nghìn kỹ sư cùng hàng thập kỷ quan hệ với các nhà cung cấp. Tuy nhiên tại Mỹ, tập đoàn phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Ông Liu cho biết: “Tại địa điểm này, thực tế có rất nhiều thứ chúng tôi phải làm từ đầu”.

Được biết, một số nhà cung cấp hóa chất Đài Loan cho TSMC, trong đó có Chang Chun Petrochemical, Kanto PPC và Topco, đã mua đất ở Casa Grande, phía nam Phoenix để xây nhà máy. Việc phải tự mình xử lý mọi việc, từ quy hoạch đến làm giấy phép kết nối, đã khiến họ rất sốc. Chi phí xây dựng lại vô cùng cao.

Cú sốc tại Mỹ của TSMC: Xung đột văn hóa khiến đôi bên thất vọng, nhà máy sau 4 năm chưa thể bán chip, công nhân Mỹ phải tới châu Á đào tạo lại- Ảnh 1.

TSMC là một trong những nhà sản xuất chip máy tính tiên tiến lớn nhất thế giới

“Chi phí xây dựng của TSMC ở Mỹ cao hơn nhiều lần so với ở Đài Loan. Chắc phải gấp 5 lần đó”, Vincent Liu, chủ tịch LCY, công ty sản xuất hóa chất tẩy rửa được sử dụng trong sản xuất chip của TSMC, nói.

Cơ sở Arizona, được bao quanh bởi giàn giáo và cần cẩu xây dựng, là khu vực nổi tiếng phía bắc Phoenix. TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng 3 nhà máy tại địa điểm này, mô phỏng theo khuôn viên khổng lồ của công ty tại Đài Nam. Nhà máy đầu tiên, được xây dựng giống như tàu vũ trụ màu bạc, đã bắt đầu chạy thử nghiệm.

Trong khi quá trình xây dựng diễn ra, công ty cử một số kỹ sư người Mỹ đến Đài Nam để đào tạo. Khác biệt về văn hóa khiến ai nấy đều bất ngờ.

Jefferson Patz, kỹ sư mới tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học California, San Diego, đã đến Đài Nam vào năm 2021 để tham gia chương trình đào tạo 18 tháng. Chia sẻ với The New York Times, anh cho biết:

“Ôi trời ơi, mọi người làm việc chăm chỉ quá”, anh nói và cho biết sau khi trở về Arizona, các nhân viên được yêu cầu tham gia làm thêm những việc khác ngoài phạm vi trách nhiệm vốn có.

Cách tiếp cận này không phù hợp với tất cả mọi người. Công nhân thường xuyên được yêu cầu làm bất cứ điều gì cần thiết để hoàn thành công việc. Một số người Mỹ cảm thấy khó khăn khi phải ở Đài Loan trong khoảng thời gian dài.

Để giải quyết căng thẳng, công ty quay sang đào tạo giao tiếp cho các nhà quản lý. Một số cuộc họp không cần thiết đã được cắt giảm.

Khoảng một nửa trong số 2.200 công nhân tại TSMC ở Phoenix được đưa đến từ Đài Loan, cách đó 7.200 dặm. Công ty cho biết sẽ tạo ra 6.000 việc làm khi xây dựng hai nhà máy tiếp theo.

“Chúng tôi muốn biến nơi này thành một nhà máy thành công và bền vững”, ông Liu nói. “Bền vững có nghĩa là chúng tôi không thể tiếp tục trông chờ vào việc Đài Loan gửi người đến đây”.

Ngoài TSMC, các công ty khác trong khu vực cũng đang tìm kiếm lao động tay nghề cao trong cuộc đua tăng sản lượng. Intel, gã khổng lồ chip của Mỹ, đang mở rộng nhà máy sản xuất chip tại khu vực này.

Cú sốc tại Mỹ của TSMC: Xung đột văn hóa khiến đôi bên thất vọng, nhà máy sau 4 năm chưa thể bán chip, công nhân Mỹ phải tới châu Á đào tạo lại- Ảnh 2.

Chi phí xây dựng của TSMC ở Mỹ cao hơn nhiều lần so với ở Đài Loan (Trung Quốc)

Các trường cao đẳng và đại học lân cận đang tăng cường hướng dẫn sinh viên lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điện. TSMC đã hợp tác với các trường cao đẳng cộng đồng và đại học thông qua chương trình học nghề, thực tập, dự án nghiên cứu và hội chợ nghề nghiệp.

Tại Đại học bang Arizona, nơi nổi lên như một nguồn cung cấp lao động chính cho TSMC, công ty tài trợ các dự án nghiên cứu của sinh viên để quá trình tuyển dụng lao động tương lai trở nên dễ dàng, theo Zachary Holman, phó khoa Kỹ thuật Fulton.

Một số trường thậm chí còn xây dựng phòng sạch, khu vực làm việc rộng rãi tại trung tâm các nhà máy bán dẫn. Mục đích là để sinh viên làm quen với môi trường, văn hóa.

“Chúng tôi có một thế hệ học sinh mà cha mẹ chúng chưa từng bước chân vào một nhà máy sản xuất tiên tiến nào”, Scott Spurgeon, giám đốc trung tâm cho biết.

“Nếu làm việc tại TSMC trong vài năm và có thể làm quen với văn hóa ở đây, bạn sẽ có thể gia nhập hầu hết các công ty bán dẫn khác”, Smitha Swain, người có bạn bè từng làm việc tại TSMC, cho biết.

Tại Mesa, Arizona và các thành phố lân cận khác, gần 1.000 người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu kéo dài 2 tuần về kỹ thuật viên bán dẫn.

“Chúng ta đang trở thành 'Sa mạc Silicon”, Tom Pearson, hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng Chandler-Gilbert, một trong những trường triển khai chương trình này, cho biết.

Theo: The New York Times, Rest of World 

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT