Cục diện thị trường chuỗi nhà thuốc: An Khang không còn hiện diện ở Hà Nội
Thị trường chuỗi nhà thuốc Việt Nam năm 2025 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của Long Châu khi vượt mốc 1.900 cửa hàng, lớn hơn tổng số nhà thuốc 6 chuỗi còn lại. Trong khi đó, An Khang thu hẹp hoạt động, rút khỏi thị trường Hà Nội.

Trong năm 2025, thị trường chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô lẫn tốc độ mở rộng. Theo Báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại (Modern Trade) do Q&Me công bố, tổng số nhà thuốc trên toàn quốc đã đạt 3.459 cửa hàng, tăng gần 7% so với năm 2024 và gấp hơn 7 lần so với năm 2019.
Trong bức tranh tăng trưởng đó, sự nổi bật của Long Châu là điểm nhấn rõ nét khi chuỗi này mở thêm gần 200 cửa hàng chỉ trong một năm, nâng tổng số điểm bán lên 1.977 – tương đương hơn một nửa thị phần trên thị trường.
Sự bứt phá của Long Châu không đến từ ngẫu nhiên. Theo báo cáo tài chính của FPT Retail, công ty mẹ của Long Châu, chuỗi nhà thuốc này đã đạt doanh thu lên tới 8.054 tỷ đồng trong quý I/2025, chiếm tới 69% tổng doanh thu của FPT Retail.
Chuỗi nhà thuốc này tập trung vào việc mở rộng ở các tỉnh, khi có đến 1.420 cửa hàng nằm ngoài Hà Nội và TP.HCM. Con số này gấp hơn 4 lần so với số lượng cửa hàng của họ tại TP.HCM (322 cửa hàng) và gần gấp 6 lần so với Hà Nội (235 cửa hàng).
Có thể thấy chiến lược “phủ rộng toàn quốc” của Long Châu không chỉ là khẩu hiệu mà đã được triển khai hiệu quả trên thực tế, giúp thương hiệu này xây dựng mạng lưới phân phối dày đặc và hiện diện mạnh ở khắp các khu vực dân cư đông đúc.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng liên tục đầu tư vào công nghệ và dịch vụ y tế cộng thêm như trung tâm tiêm chủng, AI tư vấn dược và mạng lưới logistics dược phẩm, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu chi phí vận hành.
Bên cạnh Long Châu, Pharmacity cũng là một trong những chuỗi có ảnh hưởng lớn trên thị trường. Với tổng cộng 938 cửa hàng, trong đó 425 nằm ở các tỉnh thành khác, Pharmacity cho thấy họ vẫn đang kiên định với chiến lược phát triển song song cả ở đô thị và các vùng phụ cận.
Tuy nhiên, so với Long Châu, mức độ mở rộng của Pharmacity đang chậm hơn và khoảng cách giữa hai thương hiệu ngày càng lớn. Nếu xu hướng này tiếp tục, Long Châu có thể sẽ chiếm lĩnh thị phần áp đảo trong tương lai gần.
Trái ngược với đà tăng trưởng chung, chuỗi An Khang Pharmacy lại ghi nhận sự sụt giảm về số lượng cửa hàng trong năm 2025. Trong bối cảnh các đối thủ đẩy mạnh mở rộng, An Khang dường như đã thu hẹp quy mô hoạt động hoặc ngưng mở mới để tập trung tái cấu trúc nội bộ.

Nguồn: Báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại (Modern Trade) do Q&Me công bố.
Cụ thể, chuỗi này hiện có 326 cửa hàng, chủ yếu ở khu vực ngoài Hà Nội – đặc biệt là không có mặt tại Hà Nội, và chỉ giữ lại 77 cửa hàng tại TP.HCM. Việc An Khang không còn duy trì sự hiện diện tại thủ đô là dấu hiệu cho thấy những thay đổi chiến lược sâu sắc trong nội bộ doanh nghiệp hoặc áp lực cạnh tranh quá lớn từ các đối thủ.
Tính đến cuối năm 2024, chuỗi này đã lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng, và vẫn chưa đạt điểm hòa vốn. Dù MWG tuyên bố tiếp tục “hoàn thiện mô hình kinh doanh” trong các kỳ họp cổ đông, nhưng con số thực tế cho thấy chuỗi này đang giảm số lượng cửa hàng để tái cấu trúc và hạn chế rủi ro tài chính.
Ngoài ba thương hiệu chính nêu trên, thị trường còn có sự góp mặt của các chuỗi nhỏ như Guardian (126 cửa hàng), Medicare (64 cửa hàng), Phano Pharmacy (14 cửa hàng) và Matsumoto Kiyoshi (12 cửa hàng).
Tuy nhiên, quy mô nhỏ và tốc độ phát triển chậm khiến các thương hiệu này khó có thể cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” đang chiếm lĩnh thị phần áp đảo. Thị trường hiện nay đang được định hình theo hướng tập trung cao độ vào một số thương hiệu dẫn đầu, với mô hình hoạt động chuyên nghiệp, khả năng đầu tư mạnh về công nghệ, marketing và chuỗi cung ứng.
Báo cáo của Q&Me cũng cho biết, khu vực ngoài hai Hà Nội và TP.HCM đã ghi nhận tới 2.169 cửa hàng, chiếm hơn 62% tổng số nhà thuốc. So với năm 2019, con số này đã tăng gấp hơn 20 lần, phản ánh chiến lược mở rộng thị trường ra các vùng ven, vùng nông thôn và khu vực đang đô thị hóa nhanh chóng.
Điều này không chỉ cho thấy tiềm năng tiêu dùng ngày càng lớn tại các địa phương, mà còn là minh chứng cho chiến lược phân phối sâu rộng và nhắm tới thị trường đại chúng của các chuỗi lớn.
Kỳ Thư