Cục diện thị trường rạp chiếu trước khi Aeon tham gia: CGV, Galaxy, Beta cùng ‘tăng ga’, Lotte Cinema vẫn ‘dậm chân tại chỗ’

Số lượng rạp chiếu phim đang tăng lên do sự mở rộng của tất cả các chuỗi rạp chiếu phim, ngoại trừ Lotte Cinema. Trong đó Beta Cineplex dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng số lượng rạp chiếu. Tuy nhiên, "ông lớn" từ Nhật Bản đang đặt tham vọng rất lớn để lấn át các đối thủ.

Cục diện thị trường rạp chiếu trước khi Aeon tham gia: CGV, Galaxy, Beta cùng ‘tăng ga’, Lotte Cinema vẫn ‘dậm chân tại chỗ’- Ảnh 1.

Sự hồi sinh sau đại dịch.

Báo cáo Xu hướng cửa hàng bán lẻ hiện đại (Modern Trade) tại Việt Nam năm 2025 của Q&Me vừa công bố ghi nhận số lượng rạp chiếu phim đang tăng lên do sự mở rộng của tất cả các chuỗi rạp chiếu phim, ngoại trừ Lotte Cinema.

Cụ thể, chỉ sau một năm, số lượng rạp ở Việt Nam tăng từ 184 lên 191 rạp, tăng 7 rạp.

Nếu xét trong giai đoạn 2019–2025, tổng số rạp tăng tới 33 rạp, từ 158 rạp vào năm 2019 lên 191 rạp vào năm nay, tương đương mức độ tăng trưởng trên 20%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng rạp tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM gần như chững lại sau năm 2020, cho thấy thị trường đã tiến gần đến điểm bão hòa. Ngược lại, các tỉnh thành ngoài hai trung tâm lớn lại tăng đều mỗi năm – từ 78 rạp năm 2019 lên 103 rạp năm 2025 – phản ánh xu hướng dịch chuyển về thị trường cấp 2 và cấp 3.

Về thị phần doanh nghiệp, CGV vẫn là "ông lớn" thống trị với 83 cụm rạp, chiếm gần 44% toàn thị trường. Hồi tháng 7 năm ngoái, CGV Vincom Mega Mall Grand Park (TP. Thủ Đức, TP.HCM) chính thức khai trương, đánh dấu sự mở rộng tiếp theo của chuỗi rạp này tại khu vực phía Nam.

Lotte Cinema theo sau với 45 rạp, chủ yếu ở các địa phương ngoài hai thành phố lớn (32 rạp). Trong năm qua, chuỗi này không mở mới thêm cụm rạp nào.

Galaxy Cinema đứng thứ ba với 22 rạp, trong đó tập trung mạnh tại TP.HCM (11 rạp) và chỉ có 1 rạp tại Hà Nội. Năm ngoái, chuỗi mở mới 2 rạp tại TP.HCM và Huế.

Beta Cineplex nổi bật trong nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với 21 rạp. Nhưng ‘rạp chiếu phim bình dân’ này lại dẫn đầu về tốc độ mở mới trong năm qua với 3 rạp: Beta Lào Cai, Beta Xuân Thủy và Beta Tây Sơn (Hà Nội). 

Chuỗi rạp của Shark Minh Beta đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chiếm 70% thị trường rạp chiếu phim trung cấp tại Việt Nam, với doanh thu ước tính đạt 1.400 tỷ đồng.

Cục diện thị trường rạp chiếu trước khi Aeon tham gia: CGV, Galaxy, Beta cùng ‘tăng ga’, Lotte Cinema vẫn ‘dậm chân tại chỗ’- Ảnh 2.

Thống kê số lượng rạp chiếu phim. Nguồn Q&Me

Hai thương hiệu nội địa còn lại là BHD Star Cineplex Cinestar có quy mô nhỏ hơn, lần lượt sở hữu 11 và 9 rạp. Dù chưa có kế hoạch mở mới nhưng cả hai vẫn cho thấy nỗ lực duy trì hiện diện trên thị trường cạnh tranh cao, nhất là khi các tập đoàn nước ngoài như CGV và Lotte vẫn tiếp tục mở rộng độ phủ.

Ngoài ra, thị trường rạp chiếu phim sắp đón thêm ‘tân binh’ Aeon Beta Cinema. Dự kiến khai trương rạp đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2025, liên doanh giữa Aeon Entertainment và Beta Media này đặt mục tiêu mở 50 cụm rạp trên toàn quốc đến năm 2035, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.

Sự gia nhập của ‘tân binh’ này hứa hẹn tiếp tục tạo ra sự bùng nổ cho thị trường rạp chiếu phim Việt Nam và cũng sẽ làm thay đổi đáng kể cục diện thị trường rạp chiếu hiện nay.

Nếu Aeon Beta đạt mục tiêu 50 cụm rạp, họ có thể nhanh chóng lọt top 3 thị phần, cạnh tranh trực tiếp với CGV (hơn 80 cụm), Lotte (45 cụm), Galaxy (22 cụm). Tác động lớn nhất sẽ đến phân khúc trung cấp và ngoại ô, nơi CGV và Lotte chưa phủ mạnh, còn Beta hiện chiếm ưu thế.

Cơ hội hay ‘canh bạc’ dài hơi?

Theo thống kê của Box Office Vietnam, năm 2024, tổng doanh thu phòng vé Việt Nam đạt mức kỷ lục 4.418 tỷ đồng, vượt qua cả mức trước đại dịch năm 2019 (hơn 4.100 tỷ đồng) .

Sự bùng nổ này phần lớn nhờ vào thành công của các bộ phim nội địa như "Mai" (551,2 tỷ đồng) và "Lật mặt 7: Một điều ước" (482,7 tỷ đồng), đóng góp gần 1/4 tổng doanh thu phòng vé trong năm .

Ngoài ra, các phim Việt khác như "Làm giàu với ma" (128 tỷ đồng), "Ma da" (127,2 tỷ đồng) và "Quỷ cẩu" (108,4 tỷ đồng) cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng này .

Khảo sát của nhóm các nghiên cứu sinh đến từ Harvard Business School dự báo tổng doanh thu thị trường rạp phim Việt Nam dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR ~10% trong 8 năm tới.

Mặc dù thị trường đang phục hồi, các chuỗi rạp chiếu phim vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí vận hành cao, đặc biệt là chi phí thuê mặt bằng và bản quyền phim, cùng với sự cạnh tranh từ các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix, Disney+ khiến khán giả có thêm nhiều lựa chọn giải trí tại nhà, đặt ra áp lực lớn lên lợi nhuận .

Hơn nữa, việc phụ thuộc vào các bộ phim nội địa ăn khách cũng là một rủi ro. Nếu không có những tác phẩm "bom tấn" thu hút khán giả, doanh thu có thể sụt giảm đáng kể.

Cục diện thị trường rạp chiếu trước khi Aeon tham gia: CGV, Galaxy, Beta cùng ‘tăng ga’, Lotte Cinema vẫn ‘dậm chân tại chỗ’- Ảnh 3.

Do vậy, dù tổng doanh thu thị trường phòng vé tăng nhưng không phải nhà rạp nào cũng duy trì được lợi nhuận.

Dẫn đầu thị trường, CJ CGV Việt Nam ghi nhận doanh thu năm 2024 đạt 207,2 tỷ won (khoảng 3.840 tỷ đồng), tăng 12% so với năm trước, với lợi nhuận hoạt động tăng gần 90% lên 26,3 tỷ won (khoảng 480 tỷ đồng) .

Tuy nhiên, Lotte Cinema, một đối thủ lớn khác, dù có 45 cụm rạp (chiếm khoảng 26% số cụm rạp tại Việt Nam), lại ghi nhận lỗ hơn 10 tỷ won (gần 175 tỷ đồng) tại Việt Nam trong năm 2023.

Galaxy EE (công ty mẹ của chuỗi rạp Galaxy Cinema) cũng ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 126,2 tỷ đồng trong năm 2024. Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của công ty đã lên tới hơn 1.327 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp doanh nghiệp này thua lỗ.

Chưa kể, việc sự xuất hiện của Aeon Beta Cinema tăng áp lực cho thị trường. Đây là thương vụ hiếm hoi trong ngành rạp chiếu phim tại Việt Nam có yếu tố vốn ngoại tham gia vào một mô hình nhượng quyền quy mô lớn. 

Trong thương vụ này, Aeon Entertainment - công ty con của tập đoàn bán lẻ Aeon – là nhà điều hành rạp chiếu phim lớn thứ ba tại Nhật Bản với khoảng 90 cụm rạp (tính đến 2024). Còn Beta Group (Việt Nam) - chủ sở hữu chuỗi rạp Beta Cinemas – thương hiệu Việt tập trung vào phân khúc trung cấp, nổi bật với mô hình nhượng quyền và hiệu quả vận hành cao.

Sự xuất hiện của Aeon Beta Cinema không chỉ đơn thuần là một thương hiệu mới, mà còn là tín hiệu cho thấy ngành công nghiệp rạp chiếu phim Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc với sự góp mặt của nhà đầu tư quốc tế. 

Trong bối cảnh Gen Z cần trải nghiệm khác biệt và khu vực ngoài trung tâm vẫn chưa được phủ kín rạp, Aeon Beta có thể trở thành nhân tố thay đổi cục diện ngành trong 10 năm tới và là đối thủ đáng gờm của những người chơi hiện tại trong thị trường này. 

Phan Trang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT