Cùng được dự báo sẽ gia nhập nhóm các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới, tăng trưởng GDP Philippines năm 2023 cao hay thấp so với Việt Nam?

Theo các chuyên gia của S&P Global, Việt Nam và Philippines cũng là những quốc gia sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035.

Mới đây, Cơ quan Thống kê Philippines cho biết, nền kinh tế của quốc gia này trong năm 2023 phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm giá lương thực tăng vọt và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng dai dẳng. Để đối mặt với những thách thức này, ngân hàng trung ương Philippines đã phải tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều năm nhằm kiềm chế lạm phát.

Kết quả, nền kinh tế Philippines không đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng vào năm 2023 do lạm phát gia tăng và lãi suất tăng làm giảm sức chi tiêu của các hộ gia đình. Cụ thể, dữ liệu chính thức được công bố mới đây cho thấy, tăng trưởng GDP của Philippines năm 2023 chỉ đạt 5,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với con số 7,6% hồi năm năm 2022 và không đạt mục tiêu 6%-7% của Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng ING (Manila), ông Nicholas Antonio Mapa, nếu lãi suất không tăng mạnh, tăng trưởng kinh tế của Philippines có thể cao hơn con số 5,6%.

Còn ông Miguel Chanco, kinh tế trưởng khu vực châu Á mới nổi tại Pantheon, cho rằng đợt suy thoái năm 2023 là "tự nhiên" bởi lợi ích từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại sau giai đoạn đại dịch đã có xu hướng ngày càng giảm.

"Trước chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP), việc gia tăng vay tiêu dùng đang bắt đầu chững lại ở một số khu vực", ông nói với Nikkei Asia.

Bên cạnh đó, ông Miguel Chanco cũng nhấn mạnh tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 khi người tiêu dùng phải tiết kiệm để đối phó với sự tăng giá đột biến. Tiêu dùng hộ gia đình tại Philippines trong quý 4/2023 tăng 5,3% do lạm phát giảm tốc vào cuối năm 2023. Lạm phát ở Philippines giảm xuống 3,9% trong tháng 12, nhưng trung bình ở mức 6% trong cả năm.

Kinh tế trưởng tại China Banking Corp. (Manila) Domini Velasquez dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines sẽ coa hơn vào năm 2024 do lạm phát giảm tốc và BSP có thể cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay.

"Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng nền kinh tế vẫn sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược như suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị gia tăng", vị chuyên gia này lưu ý.

Đối với Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).

Việt Nam và Philippines cũng là những quốc gia sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035

S&P Global nhận định, khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ vẫn là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Trong đó, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, sẽ trở thành một trong những thị trường mới nổi hàng đầu thế giới trong thập kỷ tới, với quy mô GDP dự báo sẽ tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022 lên 4,1 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Không chỉ có Indonesia, theo các chuyên gia của S&P Global, Việt Nam và Philippines cũng là những quốc gia sẽ gia nhập hàng ngũ các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới vào năm 2035. Trong khi đó, Malaysia dự kiến sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tính theo GDP bình quân đầu người, với GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 26.000 USD vào năm 2035.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT