Cuộc cạnh tranh của các nhãn hàng xa xỉ trên con phố Sài Gòn lọt top 15 tuyến đường có giá thuê đắt đỏ nhất thế giới: "Nhiều thương hiệu muốn vào Việt Nam chỉ biết đứng nhìn"

Mặc dù giá thuê dao động từ 100 – 400 USD/m2/tháng (khoảng 2,5-10 triệu đồng), tuyến đường này vẫn vô cùng hấp dẫn đối với những nhãn hàng xa xỉ muốn đặt chân vào thị trường Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu mua xa xỉ phẩm tại Việt Nam tăng mạnh.

"Nhiều thương hiệu muốn vào Việt Nam chỉ biết đứng nhìn": Cuộc cạnh tranh của các nhãn hàng xa xỉ trên con phố ở TP.HCM thuộc top 15 tuyến đường giá mặt bằng cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐ.

Trong quý đầu tiên của năm nay, liên tiếp hai thương hiệu thời trang và trang sức cao cấp quốc tế là Rene Caovilla và Cartier đã mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Địa điểm được cả 2 nhãn hàng này "chọn mặt gửi vàng" là trung tâm thương mại (TTTM) Union Square trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM).

Hồi cuối năm 2023, con đường này đã thu hút đông đảo sự quan tâm trên thị trường bất động sản khi lọt vào danh sách top 15 tuyến đường có giá thuê mặt bằng cao nhất trên thế giới, theo số liệu của Cushman & Wakefield. Có vị trí người thuê phải trả tới 100 triệu đồng/m2/năm, tức là mỗi tháng chi khoảng 8,3 triệu đồng/m2.

Trước Rene Caovilla và Cartier, mặt bằng đường Đồng Khởi vốn đã ghi nhận nhiều cái tên lớn của ngành hàng xa xỉ thuộc các dòng sản phẩm khác nhau như Hermes, Dior, Tiffany&Co, Bvlgri, Patek Philippe…

Việt Nam – thị trường đầy hứa hẹn của các nhãn hàng xa xỉ

Chia sẻ trong chương trình Landshow của VTV Money, bà Từ Thị Hồng An – Giám đốc Cấp cao bộ phận cho thuê thương mại của Savills Việt Nam đã lý giải vì sao đường Đồng Khởi ngày càng trở thành mặt bằng hấp dẫn đối với các thương hiệu xa xỉ.

"Có ba lý do chính. Thứ nhất, đây là thời điểm vàng để các thương hiệu xa xỉ có mặt tại Việt Nam, xuất phát từ tình hình kinh tế vĩ mô khởi sắc và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Thứ hai là sự chuyển đổi trong mô hình phân phối của các thương hiệu.

Cuối cùng là nguyên nhân từ bên ngoài. Các thị trường bán lẻ hàng xa xỉ tại Hong Kong, Thượng Hải, Bangkok, Singapore đều đã đạt đến trạng thái bão hòa. Vì vậy, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là điểm đến phù hợp tiếp theo", chuyên gia của Savills phân tích.

"Nhiều thương hiệu muốn vào Việt Nam chỉ biết đứng nhìn": Cuộc cạnh tranh của các nhãn hàng xa xỉ trên con phố ở TP.HCM thuộc top 15 tuyến đường giá mặt bằng cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Bà Từ Thị Hồng An – Chuyên gia tại Savills Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy các thương hiệu xa xỉ dường như ngày càng "ăn nên làm ra" tại Việt Nam.

Theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tổng doanh thu hơn 957 triệu USD, chủ yếu đến từ các sản phẩm như nước hoa, mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da, đồng hồ, trang sức xa xỉ.

Vài năm trở lại đây, doanh thu nhiều thương hiệu xa xỉ tại Việt Nam đã liên tục tăng mạnh. Trong năm 2022, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes cùng các doanh nghiệp xa xỉ khác lãi tổng cộng 3.800 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của phân khúc xa xỉ phẩm tại Việt Nam cũng luôn ổn định ở mức hơn 3% mỗi năm. Dự kiến, ngành hàng này sẽ thu về hơn 992 triệu USD trong năm 2024.

"Nhiều thương hiệu muốn vào Việt Nam chỉ biết đứng nhìn"

Mặc dù thị trường Việt Nam đã chứng minh được sức hút với các thương hiệu xa xỉ quốc tế, nhưng việc tìm được mặt bằng phù hợp không phải điều dễ dàng.

Bà Hồng An cho biết đường Đồng Khởi gần đây đã trở thành một "high street" – tuyến phố thời trang cao cấp của TP HCM. Mỗi thành phố đều có các high street nổi bật, bắt nguồn từ "tập quán co cụm" của các thương hiệu xa xỉ. Những thương hiệu có định vị tương đồng thường cộng hưởng với nhau ở một khu vực nhất định.

"Vị trí đặt cửa hàng đặc biệt quan trọng trong nhóm hàng xa xỉ. Hiếm khi bạn thấy một mặt hàng xa xỉ đứng cạnh các nhóm hàng cao cấp hoặc bình dân. Do đó, yêu cầu thuê cũng hoàn toàn khác biệt.

Giá thuê có thể gấp 3 hoặc gấp 4 lần so với các vị trí khác, đi kèm điều kiện gắt gao trên nhiều khía cạnh như độ cao của trần, vị trí biển hiệu, những thương hiệu xung quanh họ là ai…

Bởi những yêu cầu gắt gao như vậy, nhiều thương hiệu rất muốn vào Việt Nam nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn nếu không thể tìm được vị trí phù hợp. Họ hiếm khi nhượng bộ với các yêu cầu tiên quyết. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung mặt bằng, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi giữa các thương hiệu", bà Hồng An cho hay.

"Nhiều thương hiệu muốn vào Việt Nam chỉ biết đứng nhìn": Cuộc cạnh tranh của các nhãn hàng xa xỉ trên con phố ở TP.HCM thuộc top 15 tuyến đường giá mặt bằng cao nhất thế giới - Ảnh 3.

Cũng theo chuyên gia này, giá thuê mặt bằng tại khu vực Đồng Khởi có thể dao động từ 100 – 400 USD/m2/tháng (khoảng 2,5-10 triệu đồng). Mức giá này gấp 3 lần so với các mặt bằng nhà mặt phố bán lẻ tại những tuyến phố khác trong khu trung tâm.

Bà Hồng An đưa thêm thông tin rằng nguồn cung mặt bằng tại các TTTM khu vực trung tâm đang rất hạn chế. Trong khi đó, tình hình nguồn cung trong 2-3 năm tiếp theo cũng chưa rõ ràng.

"Do đó, tình trạng cạnh tranh sẽ còn kéo dài. Chúng tôi dự đoán các khu vực nhà phố, hoặc các khối đế thương mại nhỏ có thể sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng thời có sự thay đổi đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhãn hàng xa xỉ", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Minh Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT