Cuộc đua trong lĩnh vực tài chính tỷ USD: FE Credit, Shopee, Zalopay đều đã nhập cuộc, Thế giới Di động hợp tác với Cake tham vọng vẽ lại sân chơi

Thị trường Mua trước trả sau - Buy Now Pay Later (BNPL) Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đang trở thành đấu trường cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng, ví điện tử, sàn thương mại điện tử, startup fintech và mới nhất là sự kết hợp giữa “ông lớn” trong ngành bán lẻ - Thế giới Di động và Ngân hàng số Cake.

BNPL – Sân chơi đầy khốc liệt của các "ông lớn"

Theo báo cáo của Research and Markets, thị trường BNPL Việt Nam đang trở thành một trong những lĩnh vực tài chính sôi động nhất, với quy mô có thể tăng vọt lên 2,61 tỷ USD vào năm 2025 và 8,51 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ấn tượng 26,7%.

Với việc hướng đến nhóm khách hàng trẻ chưa có thu nhập ổn định, chưa đủ điều kiện sử dụng thẻ tín dụng, hay vay ngân hàng, BNPL đang có những lợi thế so với thẻ tín dụng và các khoản vay tiêu dùng truyền thống của ngân hàng khi dễ dàng tiếp cận hơn.

"BNPL được dự đoán sẽ là sẽ sớm thành phương thức thanh toán cốt lõi tại tất cả các cửa hàng và trang thương mại điện tử trong thời gian tới. Vì thế các sản phẩm BNPL có tính chất đón đầu xu thế thanh toán đang được nhiều người ưa chuộng, nhất khi Việt Nam hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt", ông ông Shin Ju Back, Tổng giám đốc Lotte Mart nhận định.

Còn ông Inaishi Noritaka, Tổng giám đốc Lotte C&F cho biết, hiện mới chỉ có khoảng 10% dân số Việt Nam có thẻ tín dụng, một sản phẩm đòi hỏi chứng minh thu nhập cao của người sở hữu. Trong khi đó, dịch vụ BNPL hướng tới những người có thu nhập trung bình nhưng có "hành vi tiêu dùng tốt", có nhu cầu mua trước trả sau cho những mặt hàng có giá trị nhỏ như thực phẩm, vé xem phim hay đồ gia dụng.

"Điểm khác biệt lớn giữa thẻ tín dụng và BNPL là đánh giá tín dụng. Trong tài chính tiêu dùng tập trung vào tài sản và thu nhập của người sở hữu thì BNPL quan tâm tới dữ liệu về hành vi tiêu dùng hơn", ông Inaishi Noritaka cho biết.

Cuộc đua trong lĩnh vực tài chính tỷ USD: FE Credit, Shopee, Zalopay đều đã nhập cuộc, Thế giới Di động hợp tác với Cake tham vọng vẽ lại sân chơi - Ảnh 1.

Thực tế, từ lâu, các ngân hàng và công ty tài chính truyền thống đã tích cực tham gia vào thị trường BNPL để mở rộng cơ sở khách hàng, đặc biệt nhắm đến thế hệ Gen Z và Millennials, những người chiếm 70% dân số dưới 35 tuổi tại Việt Nam và ưa chuộng các giải pháp thanh toán linh hoạt.

Đơn cử, FE Credit, với PayNow hợp tác cùng ViettelPay, đã tận dụng kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng để cung cấp các khoản trả góp nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu thanh toán các dịch vụ cơ bản như điện nước, cáp truyền hình, nạp điện thoại,…. Trong khi Home Credit, một trong những đơn vị tiên phong với Home PayLater, tập trung vào các khoản vay tiêu dùng giá trị thấp, giúp người dùng dễ dàng sở hữu các sản phẩm thiết yếu.

Những định chế này có lợi thế về nguồn vốn dồi dào và kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng, giúp họ duy trì sự ổn định trong một thị trường đầy biến động. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các đơn vị này là khả năng đổi mới nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của người dùng trẻ, những người ưu tiên quy trình đơn giản và trải nghiệm số hóa.

Trong khi đó, các ví điện tử và sàn thương mại điện tử đang tận dụng lượng người dùng khổng lồ để tích hợp BNPL, biến đây thành một công cụ chiến lược để thu hút và giữ chân khách hàng.

Tiên phong là sàn Tiki khi tiến hành hợp tác với Home Credit và Lotte Finance, ra mắt dự án BNPL, cho phép khách hàng mua sắm và trả dần trong 3, 6 hoặc 9 tháng với lãi suất 0%. Ngay sau đó, Shopee cũng bổ sung tính năng SPayLater trên nền tảng, được cung cấp bởi đối tác tín dụng TPBank; Lazada cũng nhanh chóng áp dụng hình thức BNPL thông qua LazPayLater, nhằm hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho khách hàng. Hay như Lotte Finance hợp tác với ZION, mang đến các dịch vụ mua trước trả sau trên ứng dụng ZaloPay.

Một số ngân hàng thương mại cũng bắt đầu để ý đến các dịch vụ BNPL như một cách đa dạng hóa cơ sở khách hàng, hướng đến nhóm khách hàng trẻ tuổi hơn như Gen Z, chẳng hạn như TPBank liên kết với SpayLaler (Shopee), MOMO hay CIMB liên kết với SmartPay.

Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia bởi các công ty start-up chuyên về lĩnh vực BNPL như Atome, Kredivo, Fundiin, Ree-pay, Kaypay…Tuy nhiên, các startup này phải đối mặt với áp lực tài chính lớn khi phải "đốt vốn" để thu hút người dùng và cạnh tranh với các gã khổng lồ có nguồn lực mạnh hơn. Việc thiếu nguồn vốn bền vững và chi phí vận hành cao đã khiến khoảng 10 startup BNPL rút lui khỏi thị trường Việt Nam trong vài năm qua, như trường hợp của Atome vào năm 2023. Những startup còn lại đang tìm cách hợp tác với các đối tác bán lẻ hoặc tích hợp với các nền tảng lớn để mở rộng quy mô, nhưng họ vẫn cần vượt qua bài toán cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

"Ông lớn" ngành bán lẻ kết hợp với ngân hàng số khuấy động lĩnh vực tài chính tỷ đô

Dù có nhiều đơn vị tham gia, thị trường BNPL, vốn là một dạng trả sau ngắn hạn, tập trung vào các giao dịch nhỏ – vẫn bộc lộ những giới hạn: như các khoản phí phạt trả chậm, lãi suất (nếu có), hoặc các điều khoản hợp đồng không rõ ràng; khả năng bảo vệ dữ liệu và an toàn giao dịch còn hạn chế, ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng.

Trong bối cảnh đó, ngày 30/6/2025, Tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG) và Ngân hàng số Cake by VPBank (Cake) đã chính thức ra mắt dịch vụ trả sau mang thương hiệu riêng đầu tiên của Tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG) – 'MWG PayLater'.

Đây là lần đầu tiên MWG phát hành một dịch vụ tài chính công nghệ đứng tên chính thương hiệu mình, và Cake là ngân hàng được lựa chọn để xây dựng toàn bộ giải pháp vận hành cho dịch vụ này.

Theo đó, người dùng có thể đăng ký hạn mức lên đến 40 triệu đồng, được phê duyệt trong vòng 2 phút, và linh hoạt lựa chọn trả thẳng hoặc trả chậm với ưu đãi miễn lãi lên đến 90 ngày. Mọi bước thao tác - từ định danh, duyệt vay, đến quản lý khoản trả chậm - đều được xử lý tự động, tích hợp liền mạch trong ứng dụng "Quà Tặng VIP" của MWG.

Cuộc đua trong lĩnh vực tài chính tỷ USD: FE Credit, Shopee, Zalopay đều đã nhập cuộc, Thế giới Di động hợp tác với Cake tham vọng vẽ lại sân chơi - Ảnh 2.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ trả sau MWG Paylater trên ứng dụng Quà Tặng VIP

Trong mô hình của MWG Paylater, Cake không chỉ đóng vai trò cấp vốn, mà còn là bên có nền tảng công nghệ: từ tích hợp trải nghiệm người dùng, đồng bộ dữ liệu, đến bảo mật giao dịch. Đây là minh chứng rõ nét cho hướng phát triển của một ngân hàng số kiểu mới: không "mang sản phẩm của mình đi bán", mà thiết kế giải pháp tài chính riêng cho từng đối tác.

Việc Cake có thể tự vận hành toàn bộ chu trình phê duyệt - giải ngân - thu hồi nợ - hỗ trợ khách hàng mà không cần bên trung gian cho thấy năng lực công nghệ chủ động của ngân hàng thuần số này.

Hơn nữa, MWG PayLater còn là dấu hiệu rõ nét cho sự dịch chuyển từ các "fintech nhỏ" sang những "tay chơi lớn", nơi các ngân hàng số như Cake và các tập đoàn bán lẻ như MWG hợp tác để tạo ra giá trị dài hạn. Đây cũng là điển hình cho xu hướng các tập đoàn lớn tự thiết kế sản phẩm tài chính độc quyền, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự kết hợp giữa bán lẻ và tài chính tại Việt Nam.

"Sự hợp tác với MWG là bước tiến để định hình lại cách người Việt tiếp cận tín dụng tiêu dùng. MWG PayLater sẽ là chuẩn mực mới cho thị trường BNPL," ông Nguyễn Hữu Quang, CEO Cake Digital Bank, nhấn mạnh.

Với tiềm năng to lớn của thị trường BNPL và sự hỗ trợ từ các chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, MWG PayLater đang đứng trước cơ hội lớn để dẫn đầu, nhưng cũng phải đối mặt với áp lực từ các đối thủ mạnh về nguồn lực và công nghệ.

Cuộc đua BNPL tại Việt Nam không chỉ là cuộc chiến giành thị phần mà còn là hành trình định hình tương lai tài chính tiêu dùng, nơi các "tay chơi lớn" như MWG và Cake cùng các đối thủ khác cùng nhau mang lại giá trị thực sự cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.

"MWG PayLater không chỉ là một công cụ thanh toán, mà còn là cách chúng tôi mang lại giá trị thực sự, kết hợp sức mạnh bán lẻ của MWG với công nghệ tài chính tiên tiến từ Cake," ông Trương Hồng Hoàng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh MWG, chia sẻ.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT