Cuối tháng 11, nhiều ngân hàng trả lãi tiết kiệm từ 7%/năm trở lên

Hiện có 4 ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất tiết kiệm đặc biệt từ 7%/năm trở lên, áp dụng cho khách hàng có khoản tiền gửi vài trăm tỷ đồng đến 2000 tỷ đồng.

Đứng đầu trong danh sách các ngân hàng có lãi suất đặc biệt cao nhất là PVcomBank khi niêm yết mức lãi suất tại quầy là 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là ngân hàng HDBank khi trả lãi 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. 

MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1.1.2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Dong A Bank cũng giữ mức lãi suất cao lên tới 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi tiền ở kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỷ đồng trở lên.

Ngoài 4 ngân hàng trả lãi lên tới 7%/năm trở lên, hiện trên thị trường, 9 ngân hàng trả lãi từ 6%/năm trở lên áp dụng cho khoản tiền gửi thông thường.

ABBank dẫn đầu với mức lãi suất 6,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 6,2%/năm cho kỳ hạn 15-18 tháng. IVB cũng trả lãi 6,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 6,1%/năm cho kỳ hạn 18 tháng khi gửi trực tuyến.

Ở kỳ hạn dài hơn, SHB và Saigonbank hiện áp dụng mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn từ 36 tháng. Oceanbank và DongA Bank giữ mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng.

GPBank mới đây nâng lãi suất huy động trực tuyến lên 6,05%/năm cho các kỳ hạn từ 13-36 tháng. Trong khi đó, Bac A Bank áp dụng mức lãi suất 6,35%/năm cho tiền gửi trên 1 tỷ đồng và 6,15%/năm cho dưới 1 tỷ đồng ở kỳ hạn 18-36 tháng.

Ngân hàng số Cake by VPBank cũng giữ mức lãi suất cạnh tranh 6,1%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây công bố diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 10. Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,2 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng; 6,9 - 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Cũng theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã đạt hơn 10% so với cuối năm ngoái. Điều này là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Dự báo về lãi suất trong tháng cuối năm, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng xu hướng tăng lãi suất sẽ được các nhà băng duy trì, chủ yếu do bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng nhanh dịp cuối năm.

Đức Anh 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT