Cựu nhân viên McKinsey kể lại hơn 1 năm tăm tối: Làm việc 16 tiếng/ngày quên ăn, khóc nhiều, sức khoẻ tâm thần sụt giảm trầm trọng
Không dễ theo được guồng quay tại những tập đoàn danh tiếng!
Tờ BI mới đây chia sẻ tâm sự của một cựu nhân viên McKinsey. Nội dung như sau:
"Tôi gia nhập McKinsey với tư cách cộng tác viên vào năm 2021, biết rằng công việc đầy thử thách song vẫn hy vọng bản thân sẽ học được nhiều điều. Tuy nhiên, đến giờ phút này, khi yên lặng suy tính lại, tôi mới thấy tiếc khoảng thời gian tại McKinsey.
Tôi không được học nghề mà phải bắt đầu làm việc ngay từ ngày đầu tiên. Không ai ở đó muốn dạy tôi cả, trong khi điều tôi muốn là được học hỏi các kỹ năng cơ bản. Cảm giác như tôi đang ở một mình trên hoang đảo trong khi người quản lý chìm đắm trong công việc.
Tôi thường làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ 30 tối. Ngày tháng xoay quanh những cuộc họp giải quyết vấn đề, cho đối tác cấp cao xem phương án và nhận phản hồi từ họ, sau khi ghi chép và sửa đổi sao cho phù hợp trước cuộc họp tiếp theo. Đôi khi, tôi có những 3 cuộc họp như vậy mỗi ngày.
Ngoài ra, tôi cũng phải dành thời gian phân tích tài liệu về các cuộc họp với khách hàng và chuyên gia. Tôi gần như không rời khỏi bàn làm việc, quên ăn và sụt nhiều cân lắm. Tôi cũng không nhớ mình phải đi vệ sinh. Tôi chỉ đứng dậy khi thấy chú chó của mình ngước ánh mắt nhìn lên buồn bã.
Tiêu chuẩn ở McKinsey cao hơn nhiều so với công ty tư vấn trước đây của tôi. Tôi cảm thấy mọi người không thích các nhà tư vấn. Họ chỉ lấy tiền của công ty và không làm tăng thêm giá trị.
Tôi đã có cơ hội trải nghiệm ở đây. Công ty thực sự đã nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm riêng biệt, trái ngược với công việc của Big Four, song dĩ nhiên, nhân viên như tôi sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Có lúc, một nhân viên nhìn vào slide tôi làm, bắt đầu cười điên cuồng và nói đây là bản tồi tệ nhất họ từng xem. Người khác thì la hét và chế giễu mọi người.
Sau khoảng 1 năm làm việc tại McKinsey, tôi đã xin nghỉ phép 3 tháng vì lý do sức khỏe tâm thần. Tôi khóc nhiều, thậm chí phải uống thuốc giải tỏa lo âu với liều lượng cao. Tôi biết những nhân viên khác của McKinsey cũng từng trải qua quãng thời gian tương tự.
Sự tổn thất về mặt tinh thần cộng với khối lượng công việc thật điên rồ. Nhiều người than phiền rằng họ không được trả đủ thù lao cho tất cả sự cố gắng. Tôi cũng nghĩ vậy, dù đã kiếm được hơn 200.000 USD trước khi rời đi.
Không có thời gian chăm sóc bản thân, tôi quyết định nghỉ việc vì sức khỏe tinh thần sa sút. Tại sao tôi lại muốn đến một nơi khiến bản thân luôn trong trạng thái tăm tối đến vậy?
Đã hơn 1 năm kể từ khi tôi chính thức rời đi. Hiện tại, tâm trạng tôi đã tốt hơn rất nhiều. Tôi đang quay trở lại thị trường việc làm và đi phỏng vấn. Họ nói rằng một khi bạn đã có kinh nghiệm làm việc ở McKinsey thì đi đâu cũng được.
Nhìn chung, khoảng thời gian ở McKinsey vẫn là một trải nghiệm tốt, dù tôi không học được nhiều kỹ năng như mong muốn. Nếu quyết đoán và dũng cảm bảo vệ bản thân nhiều hơn, có lẽ tôi đã không bị la mắng nhiều như vậy.
Trước đó, Xaviera Ho, một chuyên gia đầu tư 29 tuổi mới đây đã có bài chia sẻ trên BI về quãng thời gian từng làm việc tại JPMorgan. Nội dung như sau:
“Tôi bắt đầu quan tâm đến thị trường tài chính từ hồi 16 tuổi, khi tình cờ đọc được cuốn “Rich Dad Poor Dad” của Robert Kiyosaki. Nó khiến tôi say mê với khái niệm đầu tư và tích lũy tài sản, để rồi nhận ra rằng mình muốn theo học một ngôi trường về kinh doanh.
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi vào Đại học Kinh doanh Quốc gia Singapore. Trong 4 năm, tôi đi thực tập vài lần tại một ngân hàng đầu tư và quỹ phòng hộ. Ngoài ra, tôi còn tham gia các câu lạc bộ sinh viên liên quan đến đầu tư. Điều này giúp tôi mở rộng kiến thức về tài chính, lại vừa có cơ hội kết nối với các tiền bối và cựu sinh viên.
Sau đó ít lâu, tôi nhận được lời đề mời từ JPMorgan - công ty mình hằng mơ ước. Năm đầu tiên, mọi thứ thật tuyệt vời. Đã có lúc tôi phải thốt lên “Ôi chúa ơi, tôi đang sống với tư cách nhà phân tích năm thứ nhất tại JPMorgan”.
Năm thứ hai, tôi bắt đầu tham gia tình nguyện tại các sự kiện khách hàng. Tôi nhớ chuyến tham quan trụ sở chính Tencent ở Thâm Quyến - một sự kiện thường niên quy tụ rất nhiều các nhà lãnh đạo và nhà đầu tư hàng đầu. Các sự kiện như thế đã cho tôi cái nhìn bao quát hơn về thị trường cũng như tác động của chúng.
Tuy nhiên đến sau cùng, tôi vẫn chọn cách rời đi.
Văn hóa làm việc ở ngân hàng không phù hợp với quan điểm sống của tôi. Không có cái gọi là cân bằng giữa công việc và cuộc sống bởi tôi thường xuyên phải có mặt tại cơ quan, ngay cả sau giờ làm việc cuối tuần. Tôi nhận ra bản thân muốn được tự do”.
Có thể thấy, làm nhân viên ngân hàng, đi giầy da bóng loáng và mặc suit tới làm việc tại New York là ước mơ của nhiều người, song hiện thực đằng sau không ‘màu hồng’ đến thế. Để có ‘tiếng’, họ đã phải đánh đổi rất nhiều, từ thời gian, sở thích, sự riêng tư đến sức khoẻ.
Theo: BI