Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận án tù chung thân

Trong đại án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là đối tượng nhận hối lộ nhiều nhất và cũng là người nhận mức án nặng nhất là tù chung thân.

Chiều 28/7, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ đại án “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong số 21 bị cáo phạm tội Nhận hối lộ, bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế được xác định là người nhận hối lộ nhiều nhất với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

cuu-thu-ky-thu-truong-bo-y-te-nhan-an-tu-chung-than-1690539131.jpg
Bị cáo Phạm Trung Kiên

HĐXX xác định, với vai trò là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình văn bản để Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, với vai trò là Thư ký Thứ trưởng, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 - 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 - 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7 - 15 triệu đồng/khách lẻ.

Bị cáo này nhiều lần nhận tiền ở trụ sở Bộ Y tế hoặc yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Bích Ngọc (mẹ vợ Kiên)...

Viện Kiểm sát nhận xét, với vai trò là thư ký, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, song lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã "làm khó", buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.

HĐXX cho rằng đủ căn cứ để xác định, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, bị cáo này đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ, với 253 lần tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng.

"Có tới 12 doanh nghiệp còn khai, Kiên liên tục yêu cầu họ phải hối lộ mình từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép. Sau khi vụ án được phát hiện, Kiên chuyển trả phía doanh nghiệp 12 tỷ đồng, đều có nội dung chuyển khoản "trả tiền vay" nhưng đây là tiền nhận hối lộ", theo đại diện Viện Kiểm sát.

Trong quá trình lượng hình, Phạm Trung Kiên bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như "phạm tội 2 lần trở lên", "lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội".

Theo HĐXX, căn cứ vào hành vi, thủ đoạn phạm tội, thái độ không thành khẩn của Kiên trong quá trình điều tra, số lần và số tiền Kiên đã nhận hối lộ đặc biệt lớn, mức án tử hình mà đại diện Viện Kiểm sát đề xuất là hoàn toàn phù hợp, đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ, nhất là việc Kiên đã thay đổi thái độ, khai báo thành khẩn tại phiên tòa, ăn năn hối cải, bị cáo và gia đình đã khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ, HĐXX cho rằng không cần thiết phải loại bỏ vĩnh viễn Phạm Trung Kiên ra khỏi xã hội, một mức án thấp hơn đã đủ sức răn đe, giáo dục với bị cáo và tạo ra bài học đối với xã hội.

Được biết, Phạm Trung Kiên đã nộp khắc phục hơn 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng bị cáo nhận hối lộ.

Trên cơ sở đó, HĐXX quyết định tuyên phạt Phạm Trung Kiên mức án tù chung thân - mức án cao nhất trong vụ án này. Thời hạn tù bắt đầu từ ngày 14/4/2022.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT