Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cựu Tổng giám đốc CNS Chu Tiến Dũng bị truy tố

Nguyễn Trọng Cảnh

Ông Chu Tiến Dũng cùng 9 đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố ông Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV - CNS) và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Các đồng phạm gồm Nguyễn Hoàng Hoa (cựu Chủ tịch HĐTV CNS), Nguyễn Hoàng Anh (cựu Chủ tịch HĐTV CNS), Đỗ Văn Ngà (cựu kế toán trưởng CNS), Lê Viết Ba (cựu Phó phòng tài chính - kế toán CNS), Vũ Lê Tùng (cựu Phó tổng giám đốc CNS), Huỳnh Tấn Tư (cựu Phó tổng giám đốc CNS), Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh văn phòng CNS), Phạm Thúy Oanh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP TIE - công ty con của CNS), Hoàng Minh Trí (cựu thành viên HĐQT TIE, Phó giám đốc Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS).

Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến năm 2018, tại CNS (100% vốn nhà nước, thuộc UBND TPHCM), bị can Chu Tiến Dũng cùng các đồng phạm đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí số tiền 22 tỷ đồng.

Số tiền thiệt hại này bao gồm chi sai nguyên tắc 17 tỷ đồng từ Quỹ khen thưởng của CNS, do ông Chu Tiến Dũng là người trực tiếp ký chi.

Về vi phạm trong việc CNS thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE. Cáo trạng nêu rằng, năm 2015-2016, thực hiện tái cơ cấu vốn tại Công ty cổ phần TIE, CNS đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND TPHCM liên quan việc quản lý vốn đầu tư của CNS tại TIE, gây thất thoát trên 4,6 tỷ đồng.

ctcp-tie-1678174056.jpg
 

Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xảy ra tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS).

Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Bước đầu cơ quan chức năng xác định tại CNS xảy ra một số sai phạm trong hoạt động thoái vốn. Một số cán bộ, nhân viên của CNS đã có đơn tố cáo nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước.

Cụ thể, đầu năm 2017, CNS đã bán toàn bộ 51% cổ phần của mình trong Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel với giá gần 21 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel đang sở hữu nhiều lô đất đắc địa tại TP.HCM, trong đó có lô đất tại 119 Phổ Quang có giá trị lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.

Tương tự, CNS cũng đã thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE, trong khi doanh nghiệp này đang là chủ sở hữu của nhiều lô "đất vàng" nằm tại khu vực trung tâm thành phố.

Theo nội dung đơn tố cáo, việc thoái vốn của CNS chỉ tính riêng tại Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty cổ phần TIE đã gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 1.700 tỷ đồng.

Đầu năm 2019, UBND TP.HCM đã quyết định tạm ngừng giao dịch, chuyển nhượng đối với một số lô đất có nguồn gốc là tài sản của CNS do thoái vốn.

Thanh tra TP.HCM cũng đã vào cuộc thanh tra về hoạt động thoái vốn của CNS, tại Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty cổ phần TIE, và việc chuyển nhượng đất của Nhà nước thông qua việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành.

Cơ quan thanh tra đã cung cấp tài liệu các vụ việc xảy ra tại CNS cho Cơ quan điều tra Bộ Công an để làm rõ các hành vi sai phạm.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can Chu Tiến Dũng, cựu tổng giám đốc CNS; bị can Đỗ Văn Ngà, kế toán trưởng kiêm trưởng phòng tài chính - kế toán của CNS; bị can Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch hội đồng thành viên CNS; bị can Lê Viết Ba, phó trưởng phòng kế toán CNS, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

PV