Đã có Thông tư thay thế Thông tư 41 của NHNN về tỷ lệ an toàn vốn, áp dụng Basel III

Hiện NHNN đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hóa các yêu cầu trong Basel III vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.


Sáng nay ngày 16/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố ra mắt Uỷ ban rủi ro trực thuộc Hội đồng Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.

Ông Lê Thanh Tùng – TV HĐQT VietinBank – Chủ nhiệm UBRR HHNH cho biết, trong quá trình phát triển của hệ thống tài chính – ngân hàng, công tác quản trị rủi ro ngày càng đóng vai trò then chốt trong hoạch định chiến lược của các tổ chức tín dụng. Trước bối cảnh môi trường vĩ mô ngày càng bất định, công nghệ phát triển nhanh chóng và các rủi ro phi truyền thống như mô hình, an ninh mạng, AI... ngày càng lan rộng, yêu cầu về chiều sâu chuyên môn trong hoạt động quản trị rủi ro ngày càng cao.

Theo UBRR HHNH, hiện ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và tăng sức chống chịu trước các cú sốc thị trường. Việc áp dụng chuẩn mực quốc tế không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch mà còn là công cụ để các TCTD phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Chính phủ, NHNN đã và đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới nhằm luật hóa các yêu cầu trong Basel III vào hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua dự thảo sửa đổi bổ sung: (i) Dự thảo TT thay thế Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM và (ii) Dự thảo TT thay thế Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với NHTM.

Đã có Thông tư thay thế Thông tư 41 của NHNN về tỷ lệ an toàn vốn, áp dụng Basel III- Ảnh 1.

Một số nội dung thay đổi trong khuôn khổ của Basel III có thể kể đến như nâng tỉ trọng và chất lượng vốn. Basel III nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với vốn cổ phần lên 4,5% và quy định thêm mức đệm bảo toàn vốn (CCB) ≥ 2,5% và đệm phản chu kỳ (CCyB) từ 0-2,5%, từ đó nâng tổng mức an toàn vốn tối thiểu đối với vốn cổ phần lên 7% và tỷ lệ an toàn vốn và các bộ đệm cũng tăng lên tới tối thiểu 10,5%. Ngoài ra, việc Basel III đưa ra các tỷ lệ an toàn riêng cho vốn cổ phần, vốn cấp 1 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng và sự lành mạnh của cấu trúc vốn tự có của các ngân hàng, thay vì chỉ quan tâm đến tổng giá trị vốn.

Basel III cũng đưa ra các yêu cầu mới về đòn bẩy và thanh khoản để bảo vệ các ngân hàng khỏi tình trạng cho vay quá mức và rủi ro, đồng thời đảm bảo các ngân hàng có đủ thanh khoản trong giai đoạn căng thẳng tài chính. Tỷ lệ này được tính bằng vốn cấp 1 chia cho tổng tài sản của ngân hàng, với yêu cầu tỷ lệ tối thiểu là 3%.

Ngoài ra, Basel III tăng cường giám sát an toàn thanh khoản, đưa ra hai chỉ số bao gồm LCR và NSFR. Tỷ lệ LCR hướng tới mục tiêu thúc đẩy khả năng chống chịu của ngân hàng trước tình huống căng thẳng ngắn hạn thông qua việc yêu cầu các ngân hàng duy trì nắm giữ đầy đủ tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu dòng tiền ra trong vòng 30 ngày khủng hoảng. Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) hướng tới bổ trợ và khuyến khích các ngân hàng duy trì nguồn vốn huy động ổn định giúp đáp ứng các nhu cầu dòng tiền trong một năm tới và tỷ lệ này phải đạt tối thiểu 100%.

Đã có Thông tư thay thế Thông tư 41 của NHNN về tỷ lệ an toàn vốn, áp dụng Basel III- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Long – Cục trưởng Cục an toàn hệ thống các TCTD

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Long – Cục trưởng Cục an toàn hệ thống các TCTD cho biết: "Đối với thông tư quy định về tỷ lệ an toàn vốn, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo và trình Phó Thống đốc Đoàn Thanh Sơn ký Thông tư số 14/2025 ngày 30/6, sẽ thay thế cho Thông tư 41. Theo Thông tư mới, thời điểm hiệu lực bắt đầu từ 15/9 và thời điểm bắt buộc áp dụng là 1/1/2030".

Tại sự kiện cũng diễn ra Hội thảo tăng cường năng lực Quản trị rủi ro ngân hàng: Tầm nhìn mới từ dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đại diện các ngân hàng cho rằng, việc triển khai Basel III tại Việt Nam là điều cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, những quy định mới cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các ngân hàng, đặc biệt là áp lực gia tăng vốn để đáp ứng yêu cầu CAR và các bộ đệm vốn theo chuẩn mới.

Lan Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT