DA hàng nghìn tỷ đồng nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan của ''đại gia'' Hoành Sơn có diễn biến mới

Khó khăn hiện nay là các phương án đều đi qua khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ có diện tích lớn, do đó phải trình Chính phủ hoặc Quốc hội để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phê duyệt chủ trương đầu tư.

photo-1716976775068

QL15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh: Báo Đầu tư)

Chiều ngày 27/5/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế La Lay về cảng Mỹ Thủy và Dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tỉnh Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được UBND tỉnh chấp thuận cho liên danh nhà đầu tư gồm (Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn; Công ty TNHH Nam Tiến và Công ty TNHH Phonesack Việt Nam) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Quốc lộ 15D là tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu Quốc tế La Lay, kết nối khu vực duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan. Dự án có dài khoảng 92km, bao gồm 5 đoạn.

Đoạn 1 từ cảng Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1, chiều dài khoảng 14 km đã được đầu tư có quy mô đường cấp III, 2 làn xe. Đoạn 4 đi trùng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 24 km, quy mô cấp III, 2 làn xe. Đoạn 5 từ đường Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu La Lay, chiều dài khoảng 12 km, đã có đường cũ với quy mô đường cấp IV-VI miền núi.

Và 42 km còn lại dài khoảng 42 km xây dựng mới, chưa được đầu tư bao gồm: đoạn 2 từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ-La Sơn dài 8km và đoạn 3 từ cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 34km.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư đưa ra 3 phương án gồm: phương án 1 có chiều dài 42,11km với tổng mức đầu tư 3.995 tỷ đồng; phương án 2 có chiều dài 42,18km, có hầm với tổng mức đầu tư 5.686 tỷ đồng và phương án 3 có chiều dài tuyến 43,08km, thiết kế 2 hầm với tổng mức đầu tư 7.165 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất lựa chọn phương án 1 vì mức đầu tư thấp nhất, thời gian thu hồi vốn ngắn nhất (gần 19 năm).

Khó khăn hiện nay là các phương án đều đi qua khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ có diện tích lớn, do đó phải trình Chính phủ hoặc Quốc hội để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phê duyệt chủ trương đầu tư.

3 nhà đầu tư là ai?

Trong số 3 nhà đầu tư, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn là Tập đoàn hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực như: Thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời...

Công ty được thành lập bởi ông Phạm Hoành Sơn (hay còn gọi Sơn "Xay xát") - Chủ tịch HĐQT vào năm 2001 và trụ sở chính tại tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Theo giới thiệu trên website, tổng tài sản Hoành Sơn ở mức 260 triệu USD, doanh thu hàng năm 180 triệu USD và có hơn 2.000 nhân viên.

Vốn điều lệ hiện tại của Hoành Sơn ở mức 2.000 tỷ đồng. Tháng 10/2018, vốn điều lệ Hoành Sơn là 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 95%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và bà Lưu Thị Duyên sở hữu 1% còn lại. 

photo-1716976296715

Chủ tịch Phạm Hoành Sơn

Hoành Sơn sở hữu nhiều dự án xây dựng nghìn tỷ như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng), Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (gần 1.500 tỷ đồng); Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); … Gần đây, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh về việc khảo sát, thực hiện Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại TP.Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.

Hoành Sơn cũng lấn sân sang dự án tái tạo năng lượng với dự án Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin từ Nhà đầu tư, hồi đầu năm 2023, Hoành Sơn muốn bán dự án điện mặt trời cho doanh nghiệp nước ngoài với giá 23,9 triệu USD.

Hồi năm 2016, cái tên Hoành Sơn nổi lên trong giới tài chính khi Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn thâu tóm dự án cảng Phước An thông qua việc mua cổ phần của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP).

Dự án Cảng Phước An có tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m. Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm hàng tổng hợp.

Cụ thể, năm 2016, PAP tiến hành tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn (SN 1972) làm Chủ tịch HĐQT. Lúc này, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 51,11% vốn điều lệ công ty.

Năm 2017, PAP tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là cổ đông duy nhất mua số cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng, sở hữu 60% cổ phần.

Đến tháng 2/2019, ông Phạm Hoành Sơn đã bán Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A –nằm trong hệ thống công ty con của CTCP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tập đoàn Tuấn Lộc). Công ty TNHH MTV Hoành Sơn đã bán ra hơn 25,8 triệu cổ phiếu vào tháng 6/2022.

Cùng thời gian, Hoành Sơn còn nổi tiếng với thương vụ trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cao su Sao Vàng và tuyên bố đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ông Phạm Hoành Sơn cũng trở thành Chủ tịch của Cao su Sao vàng.

Công ty TNHH Phonesack Việt Nam, là một thành viên của Tập đoàn Phonesack Group (Lào), được thành lập từ năm 2010. Công ty từng có tên là Công ty TNHH MTV Than Việt Nam. Địa chỉ trụ sở chính công ty tại Khu công nghiệp phụ trợ, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Kim Sơn, ông Sơn cũng đồng thời là đại diện của Công ty Cổ phần Mỹ Thủy Southern Port. Vốn điều lệ hiện tại của Phonesack Việt Nam là hơn 32 tỷ đồng.

Công ty TNHH Nam Tiến có trụ sở chính tại tỉnh Thái Nguyên, giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Phan Thế Nam. Theo nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp hồi tháng 7/2016, Nam Tiến có vốn điều lệ 165 tỷ đồng, trong đó ông Nam sở hữu gần 96% vốn điều lệ, khoảng 4% còn lại của ông Nguyễn Văn Đại.

Nam Tiến là doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án băng chuyền phục vụ vận chuyển than từ Lào về Việt Nam và kho bãi tập kết hàng hóa tại xã A Ngo, huyện Đakrông. Dự án xây dựng băng chuyền dài 5,1km, công suất 6.000 tấn hàng/giờ; điểm đầu ở kho ngoại quan của Lào, điểm cuối tại thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông; hạng mục kho bãi có diện tích 15ha. Ngày 5/1/2024, Chính phủ có Nghị quyết số 04/NQ-CP về việc đồng ý đoạn băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới Việt Nam-Lào (tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay).

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT