Đà Nẵng: Xử phạt một doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho người lao động
Công ty Phước Minh Nghĩa bị xử phạt hơn 200 triệu đồng do vi phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT.
Mới đây, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 200 triệu đồng về lĩnh vực BHXH, BHYT đối với Công ty TNHH Phước Minh Nghĩa (gọi tắt là Phước Minh Nghĩa).
Cụ thể, Phước Minh Nghĩa đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 133 triệu đồng. Không đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho 83 người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; trong đó chưa đóng cho 72 lao động số tiền hơn 1 tỷ đồng, đóng thiếu thời gian cho 11 lao động vẫn còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính số tiền gần 90 triệu đồng.
Ngoài ra, đóng bảo hiểm y tế không đủ số người bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động đối với 83 người lao động (72 người chưa đóng, 11 người đóng thiếu thời gian).
Với những vi phạm trên, Phước Minh Nghĩa bị xử phạt hơn 200 triệu đồng.
Trong đó, phạt tiền đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN gần 36 triệu đồng; phạt tiền đối với hành vi không đóng BHXH, BHTN cho 83 người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà không phải là trốn đóng với mức 150 triệu đồng; phạt tiền đối với hành vi đóng BHYT không đủ số người bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động với mức 15 triệu đồng.
Chính quyền thành phố buộc Phước Minh Nghĩa đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN phải đóng cho cơ quan BHXH được xác định tại Biên bản thanh tra số 08/BB-ĐTT332 ngày 21/9/2023 của Đoàn thanh tra theo Quyết định 332.
Phước Minh Nghĩa phải nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề (0,6984%/ tháng) tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của Công ty TNHH Phước Minh Nghĩa để nộp số tiền chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (0,3%/năm) vào tài khoản của cơ quan BHXH.
Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
Để khắc phục, hạn chế chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phải thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng lao động để có giải pháp phù hợp, tương ứng với từng đơn vị cụ thể. Chú trọng theo dõi, xây dựng cơ sở dữ liệu những đơn vị có nhiều lao động, số tiền thu lớn nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng kéo dài, hoặc chậm đóng với số tiền lớn.
Chỉ đạo lãnh đạo BHXH các địa phương cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT đúng quy định.
Ngoài ra, cơ quan BHXH các cấp cũng đang chủ động thực hiện điều tra, khảo sát; phối hợp chặt chẽ với ngành liên quan ở địa phương để thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động.
Cùng với đó, thường xuyên công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương…