Đàm đạo cùng Chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, VinBrain, FPT, MoMo nói gì về công cuộc phát triển AI tại Việt Nam?

"Ở thời điểm rời Việt Nam trước đây, tôi mong muốn được học tập tốt hơn. Thì giờ đây, một nền tảng học vấn đã sẵn sàng cho rất nhiều kỹ sư công nghệ khác. Tôi nghĩ việc Việt Nam có thể trở thành ngôi nhà thứ 2 của Nvidia đã được chứng minh. Deep Learning, Generative AI đã sẵn sàng ở Việt Nam rồi", Giám đốc VinBrain Trương Quốc Hùng bày tỏ.

Đàm đạo cùng Chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, VinBrain, FPT, MoMo nói gì về công cuộc phát triển AI tại Việt Nam? - Ảnh 1.

"Nguồn nhân lực sẽ là game-changer của Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm CEO MoMo – chia sẻ cuộc gặp gỡ với ông Jensen Huang, Đồng sáng lập - CEO Tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (Hà Nội).

Cuộc gặp nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đồng sáng lập - CEO NVIDIA theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

"Chúng ta đang trải qua một giai đoạn cực quan trọng trong ngành công nghệ. Một làn sóng mới đang tới và có thể là làn sóng lớn nhất từ trước tới nay", ông Jensen Huang - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA – chia sẻ.

"Lần đầu tiên chúng ta có thể sản xuất ra được trí tuệ nhân tạo (AI) với một khối lượng lớn, và giờ đây có thể trở thành hạ tầng mới cho xã hội và các ngành nghề. Đây là cơ hội phi thường cho Việt Nam".

Vậy Việt Nam đang phát triển AI ở mức độ nào? Các doanh nghiệp ứng dụng AI ra sao?

CEO VinBrain: Nhờ sức mạnh điện toán, chúng tôi giảm từ hàng trăm USD còn 2 USD trong một khâu điều trị lao phổi!

Đàm đạo cùng Chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, VinBrain, FPT, MoMo nói gì về công cuộc phát triển AI tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Steven Trương (Trương Quốc Hùng) từng sống ở Mỹ và Canada trong một thời gian dài. Ông trở về Việt Nam khi mẹ ông bị đột quỵ, và nhìn thấy cơ hội mới ở quê hương trong ngành công nghệ y khoa (HealthTech).

"Tôi nghĩ chọn Việt Nam là điểm khởi đầu sẽ là cơ hội tuyệt vời. Công thức đem lại thành công sẽ gồm 3 yếu tố: Dữ liệu, Sức mạnh điện toán, và Con người", ông Steven nói.

"Với Dữ liệu, Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, và rất nhiều người dân đến bệnh viện điều trị. Đó là khối lượng dữ liệu tuyệt vời. Tại sao là Việt Nam ư? Tôi là người Việt và chỉ sống một lần trong đời, tôi phải làm gì đó cho đất nước".

Với Sức mạnh về điện toán, ông Steven cho biết hiện VinBrain đang đóng góp vào công cuộc chăm sóc sức khỏe của hơn 2 triệu người/năm nhờ NVIDIA hỗ trợ, và đã có bước tiến đáng kể. Ví như trong một khâu điều trị lao phổi, VinBrain đã giảm chi phí từ hàng trăm USD còn 2 USD, nhờ sức mạnh điện toán NVIDIA cung cấp.

Về Con người, CEO VinBrain khẳng định Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.

"Ở thời điểm rời Việt Nam trước đây, tôi mong muốn được học tập tốt hơn. Thì giờ đây, một nền tảng học vấn đã sẵn sàng cho rất nhiều kỹ sư công nghệ khác. Tôi nghĩ việc Việt Nam có thể trở thành ngôi nhà thứ 2 của Nvidia đã được chứng minh. Deep Learning, Generative AI đã sẵn sàng ở Việt Nam rồi", ông Steven nói.

Cũng trong hệ sinh thái của Vingroup, VinAI đã ứng dụng Generative AI (AI tạo sinh) xây dựng ứng dụng PhởGPT, một ứng dụng ngôn ngữ lớn tương tự ChatGPT mà đơn vị này huấn luyện từ con số 0.

"Chúng tôi đã làm nguồn mở cho tất cả mọi người sử dụng", GS.TS Bùi Hải Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu AI Research – cho biết.

CEO OhmniLabs: "Chủ tịch NVIDIA từng đánh cược AI sẽ phát triển đột phá, nhưng ông sẽ không cần phải đánh cược với sự phát triển AI ở Việt Nam"

Đàm đạo cùng Chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, VinBrain, FPT, MoMo nói gì về công cuộc phát triển AI tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Cùng học tiến sỹ tại Stanford, và trở về nước từ Thung lũng Silicon, Thắng Lương – chuyên gia nghiên cứu của Google Deepmind và Thức Vũ – Founder kiêm CEO OhmniLabs – cùng ấp ủ mong muốn đào tạo AI cho sinh viên, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái AI tại quê nhà.

"Chúng tôi mong muốn đào tạo 100.000 kỹ sư cho Việt Nam vào năm 2030. Đội ngũ của chúng tôi sẵn sàng làm, và nhận được sự hỗ trợ của Google, NIC, cũng như USAID. Chúng tôi tin Việt Nam là một thành phần quan trọng trong khu vực trong lĩnh vực Generative AI, và Generative AI sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong các ngành công nghiệp của Việt Nam", Thắng Lương cho biết.

"Chúng tôi rất mong muốn khai thác thế mạnh của NVIDIA trong lĩnh vực AI để thay đổi, cải biến ngành này, đưa AI ở Việt Nam lên một tầm cao mới", Thức Vũ nói thêm.

CEO OhmniLabs cũng trích dẫn một bài phát biểu của Chủ tịch NVIDIA trước đó vào năm 2018, khi ông đánh cược với sự phát triển đột phát của AI trong tương lai.

"Sự phát triển đột phá của AI đã thành hiện thực. Nhưng lần này, tôi tin ông sẽ không phải đánh cược với sự phát triển của AI tại Việt Nam", Thức Vũ khẳng định.

CEO MoMo: "Đề xuất NVIDIA xây dựng tech hub ở Việt Nam!"

Đàm đạo cùng Chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, VinBrain, FPT, MoMo nói gì về công cuộc phát triển AI tại Việt Nam? - Ảnh 4.

Là đại diện FinTech duy nhất trong cuộc gặp, ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm CEO MoMo cho biết đơn vị này đầu tư vào AI cách đây 7 năm, đã có đội ngũ kỹ sư AI khoảng gần 200 chuyên gia.

"Nhờ ứng dụng AI, chúng tôi cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ các khách hàng tiếp cận các khoản vay với thời gian nhanh gấp 10-30 lần so với phương thức truyền thống với tỉ lệ phê duyệt cao gấp đôi. Chúng tôi cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào Generative AI để thay đổi cách tương tác giữa máy, ứng dụng và khách hàng", ông Tường nói.

Khi tham gia "hiến kế" cho hợp tác giữa NVIDIA và Việt Nam, ông Tường đề xuất Chính phủ Việt Nam có các chính sách ưu đãi như giảm chi phí đầu tư thông qua các gói vay ưu đãi, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị và dịch vụ phục vụ cho AI, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia AI.

Theo ông Tường, ở tầm quốc gia, khi Chính phủ đầu tư mua công nghệ từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như NVIDIA và có chính sách chia sẻ ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng AI dài hạn, sẽ giúp nâng cao dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, góp phần vào thúc đẩy chuyển đổi số và sự phát triển toàn diện của nền kinh tế quốc gia.

Đồng thời, Phó chủ tịch HĐQT MoMo cũng bày tỏ hy vọng NVIDIA sẽ ưu đãi đặc biệt cho thị trường Việt Nam, giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt tiếp cận các sản phẩm và giải pháp AI của NVIDIA dễ dàng, từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ tài chính tối ưu nhất cho người dùng Việt. Ngoài ra, MoMo đề xuất NVIDIA tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo dành cho các công ty Fintech, các nhân sự công nghệ tại Việt Nam để nắm bắt và áp dụng hiệu quả các công nghệ mới.

"Chúng tôi đang là khách hàng của của NVIDIA và đề xuất NVIDIA xây dựng tech hub ở Việt Nam. Các kỹ sư Việt Nam rất tài giỏi nhưng cần cọ xát ở tầm cỡ thế giới để phát triển hơn", ông Tường nói thêm.

Ông Trương Gia Bình: "Chúng tôi là loại doanh nghiệp già cỗi, sẽ xây dựng hạ tầng để thế hệ trẻ vươn lên"

Đàm đạo cùng Chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, VinBrain, FPT, MoMo nói gì về công cuộc phát triển AI tại Việt Nam? - Ảnh 5.

Cuộc gặp gỡ cũng ghi nhận sự hiện diện của hai doanh nghiệp gạo cội trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam - FPT và CMC. Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình tự nhận doanh nghiệp mình là "loại già cỗi". Những "doanh nghiệp già" này sẽ xây dựng hạ tầng - những yếu tố cơ bản và tốn rất nhiều nguồn lực tài chính - để các startup, những doanh nghiệp trẻ có cơ hội phát triển.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT CMC – cũng khẳng định doanh nghiệp có chiến lược đầu tư vào hạ tầng số.

"Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là đưa CMC trở thành công ty dẫn đầu về hạ tầng số. Trong chiến lược 5 năm tới, chúng tôi có kế hoạch đầu tư 300 – 500 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, trong đó chủ yếu giúp cho bài toán xử lý các ứng dụng về AI", ông Chính nói.

Bảo Bảo

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT