Đạm Phú Mỹ (DPM) sắp chi gần 1.200 tỷ trả cổ tức đợt 2 năm 2022
DPM sẽ thanh toán cổ tức năm 2022 đợt cuối bằng tiền với tỷ lệ 30%. Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Đạm Phú Mỹ sẽ chi khoảng 1.173 tỷ đồng để hoàn tất nghĩa vụ với cổ đông.
Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (MCK: DPM) vừa công bố nghị quyết về việc trả cổ tức năm 2022 đợt cuối bằng tiền.
Theo đó, DPM sẽ thanh toán cổ tức năm 2022 đợt cuối bằng tiền với tỷ lệ 30% (1 cổ phiếu cổ đông sở hữu sẽ nhận về 3.000 đồng). Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 của Tổng Công ty.
Như vậy, với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Đạm Phú Mỹ sẽ chi khoảng 1.173 tỷ đồng để hoàn tất nghĩa vụ với cổ đông. Thời gian chốt danh sách cổ đông trong tháng 8/2023.
Được biết, trong quý I/2023, DPM đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40%. Như vậy, sau 2 đợt chi trả, cổ đông công ty sẽ nhận cổ tức bằng tiền mặt ở mức kỷ lục với tổng tỷ lệ 70%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu nhận được 7.000 đồng.
Về tình hình kinh doanh, giá bán URE giảm 54%, doanh thu thuần giảm, trong khi giá vốn bán hàng và các chi phí khác tăng mạnh khiến Đạm Phú Mỹ báo lợi nhuận sau thuế quý II/2023 chỉ đạt 105 tỷ đồng, giảm 91,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là khoản lãi thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý IV/2020.
Trong quý II/2023 doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.707 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ; Doanh thu hoạt động tài chính đạt 185 tỷ đồng, tăng 168% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, giá vốn bán hàng ở mức 3.318 tỷ đồng tăng 7,6% so với cùng kỳ; Chi phí bán hàng là 230 tỷ đồng giảm 2,7% so với cùng kỳ; Chi phí quản lý doanh nghiệp là 129 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ đạt 6.971 tỷ đồng, giảm 35,7% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 367,5 tỷ đồng, giảm 89,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động kinh doanh phủ màu ảm đạm góp phần khiến tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ tính đến 30/6/2023 chỉ còn ở mức 15.147 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Vốn chủ sở hữu của “ông lớn” ngành phân bón này chỉ còn ở mức 12.690 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2022.