Đàm thoại cùng 'Bill Gates Ấn Độ', ông Trương Gia Bình chỉ ra một bí quyết thành công cho người trẻ khởi nghiệp: "Chọn đúng vợ!"

"Khi chồng muốn khởi nghiệp, bà Sudha Murty đồng ý trao tất cả tiền bạc trong nhà cho chồng. Tuy nhiên, bà yêu cầu chồng chỉ được tự do khởi nghiệp trong 3 năm, ngày đầu tiên của năm thứ 4 còn không thành công thì về chăm con", ông Trương Gia Bình kể lại.

Đàm thoại cùng 'Bill Gates Ấn Độ', ông Trương Gia Bình chỉ ra một bí quyết thành công cho người trẻ khởi nghiệp: "Chọn đúng vợ!" - Ảnh 1.

Ông Narayana Murthy - tỷ phú đồng sáng lập Infosys Technologies - vừa có cuộc đối thoại với nhà sáng lập FPT Trương Gia Bình nhân chuyến thăm Việt Nam đầu tiên.

Ông Murthy được mệnh danh là "Bill Gates của Ấn Độ", từng giữ các vị trí CEO, Chủ tịch của Infosys trước khi về hưu năm 2014. Infosys hiện là Top 3 công ty dịch vụ công nghệ thông tin thế giới với giá trị vốn hóa trên 70 tỷ USD, hơn 320.000 nhân viên.

"Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có một người phụ nữ", ông Trương Gia Bình dẫn chuyện.

Vợ ông Murthy, bà Sudha Murty là nhà khoa học máy tính và là nữ kỹ sư đầu tiên làm việc cho nhà máy sản xuất ôtô lớn nhất Ấn Độ TELCO (TATA Engineering and Locomotive Company) – nơi hai ông bà cùng làm việc và có cơ duyên gặp gỡ.

"Bà ấy rất tuyệt vời, đã hỗ trợ tôi rất tốt cho hoạt động kinh doanh. Tôi rất biết ơn người phụ nữ đứng sau tôi", vị tỷ phú sở hữu khối tài sản 4,4 tỷ USD (theo cập nhật từ Forbes) trải lòng.

3 câu chuyện về người vợ tỷ phú, dù tài giỏi nhưng chọn lui về hậu phương để giấc mơ của chồng và Ấn Độ thành sự thực

Đàm thoại cùng 'Bill Gates Ấn Độ', ông Trương Gia Bình chỉ ra một bí quyết thành công cho người trẻ khởi nghiệp: "Chọn đúng vợ!" - Ảnh 2.

Ảnh: Indian Express.

Ông Trương Gia Bình kể lại vài mẩu chuyện về người vợ của ông Murthy mà ông nghe trực tiếp từ bà.

Một là ban đầu, ông Murthy bị cha vợ tương lai từ chối chuyện hôn sự, bởi ông quá nghèo.

"Nhưng bà ấy vẫn cương quyết rằng Murthy là một người đàn ông tuyệt vời, có hoài bão rất lớn cho Ấn Độ. Và rồi bố bà Sudha cũng chấp nhận chàng rể này", ông Bình kể.

Câu chuyện thứ 2, khi ông Murthy muốn lập một công ty khởi nghiệp, bà Sudha mất ngủ cả đêm. Đến sáng, bà đồng ý trao tất cả tiền bạc trong nhà cho chồng, 250 USD để khởi nghiệp.

"Tuy nhiên, bà yêu cầu chồng chỉ được tự do khởi nghiệp trong 3 năm, ngày đầu tiên của năm thứ 4 còn không thành công thì về chăm con", ông Trương Gia Bình kể lại.

"Vì vậy, các bạn trẻ khi muốn startup, hãy chọn đúng vợ nếu muốn thành công", ông Bình cười.

Đàm thoại cùng 'Bill Gates Ấn Độ', ông Trương Gia Bình chỉ ra một bí quyết thành công cho người trẻ khởi nghiệp: "Chọn đúng vợ!" - Ảnh 3.

Một câu chuyện khác được chia sẻ trên CNBC, bà Sudha đã từ bỏ việc trở thành Cofounder của Infosys theo ý chí của chồng.

"Rõ ràng bà góp vốn hạt giống (Seed Capital), đóng góp ý tưởng hướng tới xuất khẩu phần mềm thay vì thị trường nội địa Ấn Độ. Rồi khi đến một thời điểm khi cho đây là cơ hội để trở thành một phần của công ty, ông ấy nói "KHÔNG". Bà đón nhận chuyện đó thế nào?", nhà báo Shereen Bhan của CNBC đặt câu hỏi.

"Điều quan trọng là cô ấy tài giỏi hơn cả 6 hoặc 7 người Cofounders chúng tôi, chứ không phải là không đủ năng lực", ông Murthy nói thêm. Nhưng ông là một người duy ý chí, và quan niệm rằng một doanh nghiệp tốt là một doanh nghiệp không mang người nhà vào tham gia điều hành.

Bà Sudha bày tỏ: "Tôi tin tưởng việc nhìn vào toàn cảnh câu chuyện để tìm ra đâu là cách giải quyết tốt nhất". Ông Murthy lại nói chen: "Bà ấy suy nghĩ cứ như giáo sư của ĐH Harvard vậy…"

Một quyết định có tới 4 điểm lợi và chỉ có 1 điểm hại, và điểm hại ấy là cho tôi. Vậy thì tôi sẽ phải tự xoay xở. Đấy là bộ não tôi nói, nhưng trái tim thì chưa thể chấp nhận...
Bà Sudha Murty - vợ tỷ phú sáng lập Infosys

"Không, tôi là người đơn giản lắm. Nếu tham gia vào công ty, tôi sẽ phải làm việc cật lực, phải ngồi ở Dehli, hay Washington. Tôi còn con nhỏ, làm thế nào tôi ở đó 3 hay 6 tháng? Rõ là phi thực tế đúng không?"

"Tôi cũng hiểu Murthy. Khi ông ấy ra quyết định, dù đúng hay sai, ông ấy vẫn cứ quyết như vậy. Nếu tôi tham gia, Murthy sẽ ở nhà hoặc làm công việc khác. Nhưng Infosys - giấc mơ của ông ấy, và có lẽ là giấc mơ của Ấn Độ vào thời điểm đó - sẽ không thành sự thực".

"Nếu không nhận vị trí ở Infosys, tôi sẽ đau lòng, nhưng quyết định đó tốt cho gia đình, tốt cho con cái, tốt cho công ty, và tốt cho Murthy. Rõ ràng quyết định này có tới 4 điểm lợi và chỉ có 1 điểm hại mà thôi. Và điểm hại ấy là cho tôi. Vậy thì tôi sẽ phải tự xoay xở".

"Đấy là bộ não tôi nói, nhưng trái tim thì chưa thể chấp nhận. Trái tim tôi nói tôi phải làm việc vì tôi yêu công nghệ. Và với một công ty của riêng bạn, bạn có thể làm việc cật lực, có thể cảm nhận niềm vui, một niềm vui khó tả, bạn biết không?. Nó không phải vì tiền. Nó là niềm vui được làm việc cùng đồng nghiệp, tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Và tôi phải từ bỏ tất cả", bà Sudha nhớ lại.

Với 250 USD khởi nghiệp, sau hơn 4 thập kỷ, Narayana Murthy đã đưa Infosys từ một công ty vô danh thành một trong những công ty trụ cột của ngành CNTT Ấn Độ và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Năm 1999, Infosys là công ty đầu tiên của Ấn Độ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq. Năm 2023, công ty đạt doanh thu trên 18 tỷ USD, có 320.00 nhân viên, hiện diện tại 50 quốc gia trên toàn cầu và giá trị thị trường đạt trên 70 tỷ USD.

Sudha Murty là nữ kỹ sư đầu tiên làm việc cho nhà máy sản xuất ôtô lớn nhất Ấn Độ TELCO. Sau khi lui về hậu phương, bà trở thành một tác giả, nhà giáo dục và nhà từ thiện nổi tiếng, từng giữ cương vị Chủ tịch tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Infosys Foundation. Sudha đã được trao giải thưởng Padma Shri vào năm 2006 cho các sáng kiến công tác xã hội.

Bà cũng là thành viên của các sáng kiến chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Quỹ Gates. Bà đã thành lập một số trại trẻ mồ côi, tham gia vào các nỗ lực phát triển nông thôn, hỗ trợ phong trào cung cấp máy tính và thư viện cho các trường công lập Karnataka, đồng thời thành lập Thư viện Cổ điển Murty của Ấn Độ tại Đại học Harvard.

Theo Bảo Bảo

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT