Danh tính 2 công ty bán bảo hiểm qua ngân hàng thuộc diện thanh tra của Bộ Tài chính

Trong số 6 doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Tài chính năm 2024, có hai doanh nghiệp triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng, tổ chức tín dụng đó là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir và Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam.

Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) giúp hoạt động khai thác bảo hiểm đa dạng.

Tuy nhiên, Tuy nhiên, do phát triển nhanh, thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng; trong đó đáng chú ý là kênh bancassurance.

Năm nay, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir và Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam.

Được biết, Mirae Asset Prévoir và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

danh-tinh-2-cong-ty-ban-bao-hiem-qua-ngan-hang-thuoc-dien-thanh-tra-cua-bo-tai-chinh-2-1710387768.jpg
Cathay Life Việt Nam thuộc diện thanh tra của Bộ Tài chính năm 2024

Còn Cathay Life Việt Nam ký kết hợp tác với ngân hàng Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Indovina (IVB) để phân phối sản phẩm bảo hiểm. Các bên liên doanh của IVB hiện nay là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Cathay United (CUB) của Đài Loan.

Ngoài ra, Cathay Life Việt Nam liên kết với 2 ngân hàng khác trong việc thanh toán phí bảo hiểm gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Trước đó, trong năm 2022 và 2023, Bộ Tài chính cho biết đã thanh, kiểm tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bancassurance.

Kết quả cho thấy doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance của các doanh nghiệp đã thanh tra chiếm tới gần 97% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh này của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Qua thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance như sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.

Cơ quan thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là 1.955,997 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, gồm đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn; biện pháp khắc phục hậu quả: khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 DN bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT