Đào mỏ 1 năm, bỏ túi 3,7 tỷ đồng, tôi nhận ra không bằng cấp vẫn sống tốt
Đào mỏ dẫu mệt nhưng tôi vẫn yêu thích công việc của mình.
Lớn lên ở Los Angeles (Mỹ), Cory Rockwell (39 tuổi) hiện đang có một công việc ổn định. Nhớ lại trước đây, khoảng thời gian mới 20 tuổi, anh cho biết bản thân cảm thấy vô cùng lạc lối và không biết mình muốn gì.
“Khi đó, tôi không được học hành, không có kỹ năng, không có cả bạn gái. Tôi biết nếu không rời khỏi Los Angeles, mình sẽ bị mắc kẹt mãi”, Rockwell nói với tờ BI.
Sau đó, chàng trai này chất mọi đồ dùng cần thiết lên xe tải, lái trong vô định đến Reno, Nevada và được một người bạn giới thiệu đến công ty môi giới việc tạm thời trong ngành khai thác mỏ. Thấy hứng thú, Rockwell nghe theo.
Anh chàng sau đó được phân đến một khu mỏ lithium ở thị trấn nhỏ Orovada. Công việc đáng lẽ chỉ kéo dài 6 tháng song vì một số vấn đề phát sinh nên cuối cùng, Rockwell gắn bỏ tận 1 năm.
“Sau khi kết thúc, tôi nhận ra mình khá thích công việc này nên đã quay lại công ty môi giới và xin việc tại một mỏ khai thác ở Fallon”, Cory Rockwell kể và cho biết mình chịu trách nhiệm thả chất nổ vào các lỗ khoan trong lòng đất.
“Vào cuối ca làm việc, tôi phải đảm bảo không còn ai dưới lòng đất trước khi cho nổ. Hôm sau, tôi sẽ đi xuống và kiểm tra khí độc, đảm bảo đồng nghiệp mình được an toàn. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy”.
Chia sẻ với BI, Rockwell cho biết khai thác mỏ không giống như công việc văn phòng giờ hành chính. Anh phải thức dậy lúc 4h, bắt chuyến xe buýt lúc 4h45, di chuyển trong 1 tiếng đến mỏ, sau đó dành 30 phút thay đồ và họp đầu ngày. Đến khoảng 6h, Rockwell bắt đầu làm việc và kết thúc chúng vào 18h.
“Khi về đến nhà, tôi mệt cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi cảm giác mình có thể ngủ trong 20 tiếng”, anh kể.
Không chỉ dừng ở mệt mỏi, công việc đào mỏ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Có lần, tôi đang huấn luyện một người thợ mới thì nhận được tín hiệu khẩn cấp. Tôi đã quen thuộc với các quy trình an toàn thông qua các khóa đào tạo nên nhanh chóng đưa anh ấy đến nơi lánh nạn gần nhất. Nghĩ lại vẫn thấy sợ”.
Dẫu vậy, Rockwell vẫn yêu thích công việc của mình. Anh nói mình có thể kết bạn với nhiều người, thường xuyên cùng trò chuyện và nghĩ ra nhiều trò tiêu khiển để giải trí cùng nhau. Ngoài ra, thu nhập của công việc đào mỏ cũng khá, có lúc lên tới 160.000 USD/năm, tức khoảng 3,7 tỷ đồng.
Muốn chia sẻ nhiều hơn về công việc, Rockwell thường xuyên ghi lại quá trình làm việc và đăng lên trang cá nhân với hơn 100.000 người theo dõi.
“Thông qua các video, tôi muốn phá vỡ định kiến về nghề thợ mỏ. Tôi đã theo công việc này 12 năm và hy vọng có nhiều người khác sẽ coi đây là một lựa chọn nghề nghiệp. Ban đầu có thể choáng ngợp song nếu tôi làm được thì họ cũng làm được”, Rockwell nói.
Khác với Rockwell, không phải ai cũng có tình yêu với công việc nặng nhọc và nguy hiểm này. Số lượng công nhân khai thác than ở Mỹ đã giảm trong thời gian dài và trong năm 2021 đã giảm khoảng 8,6% so với thời điểm trước đại dịch. Điều này gây khó khăn cho các công ty khai thác mỏ, nhất là vào thời điểm muốn thúc đẩy sản xuất.
“Bây giờ chúng tôi đang tổ chức các hội chợ việc làm chỉ để tìm một số ít công nhân”, Erin Higginson, Phó chủ tịch của Custom Staffing Services - công ty tuyển dụng các thợ mỏ ở Illinois Basin nói. Được biết công ty đã cố gắng tuyển dụng khoảng 300 vị trí công nhân khai thác, gấp 3 lần so với 1 năm trước đó nhưng việc thu hút các thợ đào không hề dễ dàng.
“Có một nhận định rằng, ngành công nghiệp than đang chết dần chết mòn. Những người trẻ đang có nhiều sự lựa chọn hơn”, ông cho biết.
Nguyên nhân một phần đến từ điều kiện lao động khắc nghiệt, không có hợp đồng chính thức hoặc thiết bị bảo hộ đạt chuẩn.
Theo: BI, Reuters