Đặt mục tiêu top 1 thị trường, 'nữ tướng' mới của Honda Việt Nam đối đầu ông Phạm Nhật Vượng thế nào trên 'đường đua' xe máy điện?

Chỉ tung một mẫu xe, cho thuê 1 mẫu xe khác nhưng Honda Việt Nam đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là đứng đầu thị phần xe máy điện tại Việt Nam.

Cuộc đua mới trên mặt trận xe máy điện: 'Nữ tướng' đầu tiên của Honda Việt Nam đối đầu tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 1.

Thị trường xe máy Việt Nam, vốn được xem là "sân nhà" của Honda trong nhiều thập kỷ với thị phần luôn chiếm trên 80%, đang bước vào một cuộc chuyển mình mạnh mẽ. Sự trỗi dậy của xe điện, các chính sách hướng tới Net Zero, cùng với những bước đi táo bạo của thương hiệu nội địa VinFast, đã buộc ông lớn Nhật Bản không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố của Honda Việt Nam về tham vọng trở thành hãng xe máy điện số 1 tại Việt Nam đã khiến nhiều người bất ngờ, nhất là khi thương hiệu này vừa chào đón vị nữ Tổng Giám đốc mới - bà Sayaka Hattori. 

Câu hỏi đặt ra là: nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Honda Việt Nam sẽ đối đầu với ông Phạm Nhật Vượng như thế nào, khi VinFast đang trở thành thế lực đáng gờm trên mặt trận xe điện nội địa?

Tuyên bố mạnh mẽ từ nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của Honda Việt Nam

Ngày 18/7 vừa qua, tại sự kiện đánh dấu cột mốc 40 triệu xe máy xuất xưởng tại nhà máy ở Vĩnh Phúc, bà Sayaka Hattori – Tổng Giám đốc mới của Honda Việt Nam – đã có phát biểu: "Chúng tôi cam kết không chỉ duy trì vị thế số 1 về xe máy xăng mà sẽ trở thành hãng xe máy điện hàng đầu tại Việt Nam trong thời gian tới".

Thông điệp ấy đánh dấu sự dịch chuyển chiến lược lớn nhất trong gần 3 thập kỷ hoạt động của Honda tại Việt Nam, thương hiệu thống trị thị phần xe máy xăng với 83% thị phần. ICON e: và CUV e: chính là 2 quân cờ xe máy điện tiên phong mà Honda Việt Nam đưa vào thị trường.

Cuộc đua mới trên mặt trận xe máy điện: 'Nữ tướng' đầu tiên của Honda Việt Nam đối đầu tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 2.

Không dừng lại ở đó, tại Lễ tổng kết hoạt động kinh doanh năm tài chính 2025, bà Sayaka Hattori còn cho rằng Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất xe điện hai bánh để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.

Bà Sayaka Hattori, cho biết Honda sẽ cân nhắc việc xây dựng một cơ sở sản xuất nếu quốc gia đó đáp ứng được các điều kiện, gồm: Nhu cầu và tiềm năng thị trường, cạnh tranh về chi phí, chất lượng sản xuất.

Trên cơ sở như vậy, trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm sản xuất xe máy điện của Honda nếu khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh đối với vấn đề chi phí, chất lượng sản xuất bởi đây là một thị trường có dân số khá lớn và Honda đã đầu tư tại Việt Nam.

Đối đầu VinFast: Thách thức lớn nhất

Tuyên bố của Honda không phải không có cơ sở, nhưng con đường để chiếm lĩnh thị phần xe máy điện tại Việt Nam không hề dễ dàng, khi đối thủ lớn nhất – VinFast – đã đi trước một bước khá dài.

VinFast đang chiếm vị thế áp đảo khi nắm giữ 43,4% thị phần, vượt xa những thương hiệu trên thị trường xe máy điện như Dibao, Yadea và Pega, theo báo cáo của Kirin Capital. Xét trên quy mô thị trường xe hai bánh, gồm cả những "ông lớn" chuyên sản xuất xe xăng, thị phần của VinFast đứng thứ ba sau Honda và Yamaha. 

Cuộc đua mới trên mặt trận xe máy điện: 'Nữ tướng' đầu tiên của Honda Việt Nam đối đầu tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, VinFast còn sở hữu dải sản phẩm đa dạng, chất lượng, thiết kế hiện đại, giá cả cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng. Hãng này cũng đã thiết lập được mạng lưới trạm sạc phủ rộng trên toàn quốc, điều mà các đối thủ ngoại vẫn còn đang chật vật triển khai.

Không chỉ có lợi thế về hạ tầng, VinFast còn sở hữu hệ sinh thái nội địa, từ sản xuất pin đến chuỗi phân phối và hậu mãi, giúp giảm chi phí và tạo độ tin cậy với người dùng.

Honda có gì để phản công?

Lợi thế lớn nhất của Honda là niềm tin thương hiệu. Có thể nói, Honda đã xây dựng được một "đế chế" xe máy xăng trong suốt 29 năm kể từ khi nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động.

Với hơn 40 triệu xe máy đã xuất xưởng, gần như bất kỳ gia đình Việt nào cũng từng sở hữu ít nhất một chiếc Honda. Hệ thống hơn 800 HEAD và đại lý ủy quyền khắp cả nước giúp Honda dễ dàng mở rộng quy mô phân phối khi có sản phẩm phù hợp. Việc bà Hattori nhấn mạnh vào khả năng sản xuất nội địa và tầm nhìn xuất khẩu cho thấy Honda đang muốn đánh vào phân khúc phổ thông với quy mô lớn.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới tầm nhìn và kinh nghiệm lãnh đạo dày dặn của Tổng Giám đốc Honda Việt Nam mới. Trước khi tiếp quản chiếc ghế Tổng giám đốc Honda Việt Nam từ ông Koji Sugita, bà Sayaka Hattori từng có quãng thời gian 2 năm làm Chủ tịch Honda Philippines.

Cuộc đua mới trên mặt trận xe máy điện: 'Nữ tướng' đầu tiên của Honda Việt Nam đối đầu tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 4.

Trước đó bà Sayaka Hattori trải qua nhiều vị trí tại Honda Motor Nhật Bản, gia nhập công ty TNHH đầu tư Honda Motor ở Trung Quốc vào năm 2013 và từng giữ chức Giám đốc tại công ty này trong giai đoạn từ tháng 6/2018 đến tháng 2/2019.

Bà Sayaka Hattori quay trở lại quê nhà vào tháng 3/2019 để nhận vị trí Giám đốc phòng bán hàng số 2, lĩnh vực giám sát kinh doanh xe máy tại Honda Motor Nhật Bản. Sau đó, bà làm việc tại Honda Philippines trong 2 năm trước khi được chỉ định làm Tổng giám đốc Honda Việt Nam từ đầu tháng 4.

Dưới sự dẫn dắt của bà Sayaka Hattori, Honda Việt Nam đang phát tín hiệu rõ ràng: họ không muốn đứng ngoài nhìn cuộc chơi. Với nền tảng mạnh, nguồn vốn dồi dào và một nhà lãnh đạo dạn dày chinh chiến tại các thị trường khốc liệt, hãng xe Nhật đang sẵn sàng tái định vị mình trong thời đại phương tiện không khí thải.

Khánh Vy

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT