Đâu là "hầm trú ẩn" an toàn cho dòng tiền năm 2025?

Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP 6,4% trong năm 2024, kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ vào 2025 nhờ chính sách hỗ trợ, ổn định vĩ mô và sự phát triển của các kênh đầu tư.

Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 11/12, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 lên mức 6,4%, tăng so với dự báo 6% trước đó.

Tiến tới năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là từ 6,5 - 7%, cố gắng phấn đấu để đạt 7 - 7,5%. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh dạn đặt mục tiêu 8% năm 2025.

Dòng vốn dần di chuyển sang bất động sản

Nhận định về diễn biến chung của nền kinh tế trong năm tới, TS.Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia dự báo tăng trưởng sẽ đạt khoảng 6,6 - 6,8%, thậm chí có thể đạt mức cao hơn.

Nguyên do đưa ra nhận định này, ông Lực cho biết tới từ nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế khi "thấm đẫm" những chính sách điều tiết của Nhà nước thông qua nhiều luật có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách được ban hành.

Bên cạnh đó, bối cảnh chung tại Việt Nam ghi nhận kinh tế vĩ mô đã bước vào thời kỳ ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ,... trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Trong số các kênh đầu tư năm 2025, TS.Cấn Văn Lực cho rằng bất động sản là một kênh đầu tư tiềm năng khi đón nhận nhiều "trợ lực" từ các phía, đặc biệt là về thể chế.

"Các hành lang pháp lý mới đã chặt chẽ, rõ ràng, các công cụ giám sát nhà nước hiệu quả, dần có độ "ngấm" đối với thị trường", ông Lực nêu.

Trong bối cảnh mới, vị chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản không chỉ nhận được trợ lực từ đột phá thể chế, trong thời gian tới thị trường nhà đất sẽ còn tiếp tục hưởng lợi từ cuộc cách mạng về tổ chức – bộ máy, kinh tế vĩ mô trên đà tăng trưởng ổn định, quy hoạch các cấp được hoàn thiện, đầu tư - phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh.

Đâu là

Thị trường bất động sản đang dần tiến tới thế cân bằng, phù hợp hơn.

Đặc biệt, một điểm đáng lưu tâm mà TS.Cấn Văn Lực nêu là nghĩa vụ tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn - "sếu đầu đàn" trên thị trường nhà đất đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì.

Mặc dù trên thị trường vẫn còn tình trạng cung – cầu mất cân đối và giá bất động sản còn cao, nhưng trong thời gian tới với các trợ lực kể trên, thị trường đang dần tiến tới thế cân bằng, phù hợp hơn.

Đồng quan điểm thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong năm tới, ông Ngô Thành Huấn - CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT khuyến nghị nhà đầu tư cần chờ một nhịp quan trọng, khi các phân khúc có nhu cầu dân sinh cao như nhà phố, căn hộ chung cư bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Bất động sản dân sinh tăng giá mạnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh. Mặc dù thanh khoản chưa lớn nhưng giá không có dấu hiệu giảm. Điều này thể hiện sự ấm lại của thị trường địa ốc.

Đâu là

Ông Ngô Thành Huấn - CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT.

Ông Huấn cho biết, nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại, lãi suất thấp là những nguyên nhân khiến giá bất động sản không thể giảm.

Dù vậy, người mua vẫn còn nhiều đắn đo, khó xuống tiền vì giá thực tế vẫn đang cao cộng với lo ngại tín hiệu không tích cực của nền kinh tế. Thị trường diễn ra sự giằng co, người mua thì không chấp nhận hét giá, giá cao một cách vô lý, người bán thì cũng kiên quyết không giảm giá.

"Hiện thị trường mới sốt cục bộ. Trong 2 năm tới, thị trường này sẽ ấm dần lên trên diện rộng và lan dần từ các vùng trung tâm như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, tại các phân khúc dân sinh như căn hộ sang các huyện vùng ven tập trung vào nhà đất riêng lẻ. Sự hồi phục của thị trường địa ốc sẽ xảy ra song song với sự tăng trưởng của nền kinh tế", ông Huấn chia sẻ.

Ông Huấn đề xuất người mua nên bắt đầu di chuyển dòng vốn sang bất động sản từ năm 2025. Dù vậy cần tránh khu vực và sản phẩm đã tăng giá quá cao. Những sản phẩm tại khu vực đã tăng giá 20-30% tính từ năm 2023 đến nay thì nên cân nhắc kỹ lưỡng.

Giá vàng có khả năng rơi vào thời kỳ "ngủ đông"

Đưa ra đánh giá về diễn biến của các kênh đầu tư trong giai đoạn tới, ông Ngô Thành Huấn cho biết, các kênh vàng, chứng khoán và bất động sản đều sẽ có sự thay đổi lớn về độ hấp dẫn cũng như đà tăng trưởng.

Đối với kênh đầu tư chứng khoán, ông Huấn nhận định, kịch bản "sideway" vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2025 do nền kinh tế đang hồi phục. Từ nay đến năm 2027, chứng khoán chưa thể "cất cánh" một cách mạnh mẽ. Nhà đầu tư cần cân đối tỉ trọng dành cho kênh này một cách thận trọng.

Ông Huấn cũng nhận định giai đoạn đẹp nhất, giai đoạn "nhắm mắt" mua cổ phiếu cũng có lời của chị trường chứng khoán đã qua. Đó là thời điểm năm 2022, đầu năm 2023.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, người đầu tư chứng khoán phải cẩn trọng, nghiên cứu và chậm lại. Chiến lược vẫn là mua rải.

Đối với thị trường vàng, đưa ra dự phóng về giá vàng trong tương lai, ông Huấn cho rằng mức độ tăng của giá vàng sẽ chỉ dao động ở mức 5 - 10% trong nửa đầu năm 2025.

Ông Huấn nếu quan điểm, giá vàng sẽ không giảm ở thời điểm hiện tại do biến động địa chính trị trên thế giới vẫn đang tiềm ẩn rủi ro.

"Nền kinh tế toàn cầu trong trạng thái dần phục hồi, chứ chưa ngóc đầu lên. Thế nên vàng vẫn là kênh đầu tư ưa chuộng và được ủng hộ", ông Huấn nói.

Đâu là

Độ tăng của giá vàng sẽ chỉ dao động ở mức 5 - 10% trong nửa đầu năm 2025.

Mặt khác, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn còn lộ trình hạ lãi suất. Giá vàng và diễn biến của đồng đô sẽ trái ngược nhau. Theo dự báo, FED còn nhiều lần hạ lãi suất trong năm 2025, điều này đồng nghĩa với việc vàng sẽ tăng trong biên độ nhẹ.

Dù vậy, đến nửa cuối năm 2025, giá vàng sẽ quay đầu giảm nhẹ và đi ngang, sau đó rơi vào thời kỳ "ngủ đông", khi nền kinh tế có dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi, tăng trưởng trở lại, dòng vốn sẽ chảy sang những kênh khác có mức thanh khoản tốt hơn.

Còn TS.Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh nhận định, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã hướng đến duy trì chính sách lãi suất ổn định, thấp nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Nhưng khi hệ thống ngân hàng bắt đầu có cơ hội đầu tư khác nhau, tăng trưởng tín dụng, trái phiếu, chứng khoán… hoạt động tạo tỉ suất sinh lời thông qua kênh khác như ngoại tệ, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN. Từ đó hút tiền gửi về, lãi suất tăng.

Những tháng cuối năm 2024, lãi suất tăng, hệ thống ngân hàng có xu hướng huy động vốn đồng loạt. Trong bối cảnh đó, năm 2025, tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là kênh hút vốn gắn với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro an toàn, kỳ vọng tính thanh khoản cao. So với những kênh khác, tiền gửi vẫn sẽ là kênh chủ đạo, xác lập vị thế trong các kênh khác.

Đâu là

TS.Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh.

Còn đối với kênh vàng, ông Linh cho rằng, khi cả thế giới cảm thấy mọi thứ bất định, rủi ro, vàng là hầm trú ẩn an toàn.

Năm 2024, vàng có xu hướng giá tăng bởi rủi ro địa chính trị, lạm phát toàn cầu, sự bất ổn của nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, bước sang năm 2025, khi mọi chính sách của các nước lớn kiểm soát được lạm phát, cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi của nền kinh tế trong những năm tiếp theo, việc ông Donald Trump chính thức đảm nhiệm Tổng thống Mỹ cũng khiến cho dòng vốn đổ vào hầm trú ẩn an toàn đang bị san sẻ cho những kênh đầu tư có triển vọng và tỉ suất sinh lời cao hơn, đơn cử như kênh bitcoin, bất động sản.

Hồng Nhung - Thu Hương

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT