Dạy đầu tư tài chính, doanh nghiệp của Ngô Hương Giang kinh doanh ra sao?

Không chỉ viết sách dạy trẻ con quản lý, đầu tư tài chính, Ngô Hương Giang còn hướng dẫn người lớn nên đầu tư vào đâu, thời điểm nào để sinh lãi. Trong khi các doanh nghiệp do chính cô sáng lập, kinh doanh không có doanh thu, thua lỗ thậm chí phải giải thể.

Trên website mang tên chính mình (ngohuonggiang.com), Ngô Hương Giang (SN 1983) được giới thiệu là thạc sỹ, nhà đào tạo tiên phong trong sự nghiệp giáo dục quản lý tài chính cho trẻ con và cho cá nhân, là huấn luyện viên/trainer NLP cấp master Quốc tế được công nhận toàn cầu của Hiệp Hội NLP Hoa Kỳ (ABNLP).

Nữ doanh nhân này kể về tuổi thơ bắt đầu kinh doanh từ 5 tuổi đến năm cấp 3 qua nhiều công việc để phụ giúp bố mẹ như bán đậu phụ trước ngõ, cho thuê truyện, mở cửa hàng điện thoại công cộng, giặt khô là hơi, đánh máy vi tính, nhuộm quần bò, làm báo vẽ tay để bán cho các bạn…

ngo-huong-giang-fifafun-antt-1698067938.jpg
 

Ngô Hương Giang cho biết đã từng mở rất nhiều doanh nghiệp start up, kinh doanh và đầu tư trong suốt tuổi trẻ của mình. Cô cũng là founder sáng lập ra cộng đồng Fafifun – cộng đồng phát triển tư duy kinh doanh và trí thông minh tài chính cho trẻ.

Năm 2022, Ngô Hương Giang đã ra mắt cuốn sách đầu tay “Mẹ ơi, Tiền đi đâu rồi?”. Trong cuốn sách, nữ doanh nhân SN 1983 giải thích về việc dạy con sử dụng tiền đúng cách từ sớm sẽ giúp trẻ học được tư duy về tiền bạc, qua việc kiếm tiền, tích lũy và đầu tư.

Tác giả cuốn sách “Mẹ ơi, Tiền đi đâu rồi?” còn được giới thiệu là nhà kinh doanh và đầu tư thực chiến với các chuỗi thương hiệu Bánh Cuốn Gia An tại Hà Nội, các nhà xưởng sản xuất mua bán cho thuê Bất động sản tại khu công nghiệp Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Quốc…

Ngoài dạy trẻ con cách quản lý, đầu tư tài chính, Ngô Hương Giang cũng lập ra các cuộc hội thảo nhóm kín trên các nền tảng xã hội như: facebook, podcasts… để “dạy” người lớn cách đầu tư, kinh doanh sao cho có lãi. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế, chính bản thân doanh nghiệp của Ngô Hương Giang kinh doanh kém hiệu quả.

Hiện nay, Ngô Hương Giang không trực tiếp đứng tên doanh nghiệp nào, nhưng những năm qua, nữ doanh nhân SN 1983 cùng các “cộng sự” đã lập ra một số công ty hoạt động trong một số lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính, tư vấn đầu tư tài chính…

Một điều đáng ngạc nhiên là các doanh nghiệp của Ngô Hương Giang kinh doanh khá bết bát, không có doanh thu, thua lỗ và thậm chí còn phải giải thể.

Đầu tiên là CTCP đào tạo, đầu tư và thương mại MDJ. Công ty này được thành lập vào tháng 10/2020 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng do 5 cổ đông cá nhân góp vốn. Trong đó, Ngô Hương Giang nắm 26% tỷ lệ sở hữu, Trần Văn Mạnh (SN 1987) nắm 23%, Vũ Thanh Tú (SN 1988) sở hữu 23%, Chử Thị Mừng (SN 1973) sở hữu 23% và Nguyễn Thị Minh Lý sở hữu 5%.

nguyen-the-huy-tuoc-ngo-huong-giang-antt-1698068322.jpg
 

Hiện nay, Tổng giám đốc/ người đại diện pháp luật của MDJ là ông Nguyễn Thế Huy Tước (SN 1984). Ông Tước được biết đến là chồng của bà Ngô Hương Giang.

Dữ liệu của PV cho thấy, trong 3 năm 2020, 2021 và 2022, MDJ không phát sinh doanh thu, liên tục báo lỗ các năm lần lượt là 83,5 triệu, 214,6 triệu và 33,9 triệu đồng.

Không có doanh thu và kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của MDJ cũng giảm xuống còn 4,67 tỷ đồng (tính đến 31/12/2022).

Một công ty khác là CTCP đầu tư và thương mại SMC Land Việt Nam được thành lập vào tháng 12/2020, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Ngoài sự xuất hiện của các cổ đông tại MDJ, SMC Land Việt Nam có sự góp mặt cổ đông Vương Thiên Tân, Nguyễn Tiến Sơn (SN 1986) và Vũ Văn Hưng (SN 1982). Bà Ngô Hương Giang giữ vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Trong năm 2021, SMC Land Việt Nam có 2 đợt tăng vốn từ 10 tỷ lên 20 tỷ và 50 tỷ đồng. Đồng thời công ty đổi tên thành CTCP đầu tư và thương mại Đức Trường Thịnh Việt Nam.

Tháng 6/2021, Đức Trường Thịnh Việt Nam dưới thời CEO Ngô Hương Giang đã lập ra công ty con là CTCP DTT An Thịnh với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, có trụ sở tại Bắc Giang.

Tháng 8/2021, bà Giang chuyển giao vị trí Tổng giám đốc tại Đức Trường Thịnh Việt Nam cho ông Vũ Văn Hưng.

Dữ liệu của PV cho thấy, SMC Land Việt Nam và nay là Đức Trường Thịnh Việt Nam dưới thời CEO Ngô Hương Giang cũng không có doanh thu. Công ty ghi nhận khoản lỗ lớ nhất năm 2021 với con số 1,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Đức Trường Thịnh Việt Nam tại ngày 31/12/2022 chỉ còn 48,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, tháng 11/2020, bà Ngô Hương Giang còn cùng các “cộng sự” lập ra CTCP đầu tư và thương mại SMC Holding Việt Nam. Công ty này có vốn 10 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất do bà Giang đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Tuy nhiên, SMC Holding Việt Nam sớm “chết yểu” và bị giải thể vào tháng 5/2021 (sau 7 tháng thành lập) do kinh doanh không hiệu quả.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT