Đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia với vốn Nhà nước từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng
Đề xuất vốn điều lệ của quỹ nhà ở trung ương do ngân sách trung ương cấp lần đầu tối thiểu là 5.000 tỷ đồng ngay sau khi được thành lập và sẽ được nâng lên tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm.
Dự thảo nghị định quy định quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ nhà ở quốc gia bao gồm quỹ nhà ở trung ương do Chính phủ thành lập, giao Bộ Xây dựng quản lý; quỹ nhà ở địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập, giao cơ quan chuyên môn cấp quản lý.

Ảnh minh họa
Quỹ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Việc quản lý về tài chính của quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng với mô hình hoạt động của quỹ.
Hội đồng quản lý quỹ nhà ở trung ương do Thủ tướng thành lập, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ là Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ là Thứ trưởng Bộ Xây dựng...
Dự thảo nghị định đề xuất vốn điều lệ của quỹ nhà ở trung ương do ngân sách trung ương cấp lần đầu tối thiểu là 5.000 tỷ đồng ngay sau khi được thành lập và được nâng mức vốn điều lệ lên thiểu là 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tiếp theo kể từ ngày được thành lập.
Ngoài ra, quỹ cũng được thu tiền bán nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan trung ương đang quản lý theo quy định của pháp luật, vốn bổ sung từ hoạt động của quỹ, vốn khác thuộc sở hữu để bổ sung vốn hoạt động.
Còn với quỹ nhà ở địa phương thì căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và cơ quan điều hành của quỹ nhà ở địa phương.
Vốn điều lệ của quỹ do ngân sách địa phương cấp và cấp bổ sung, sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua.
Quỹ nhà ở địa phương được thu số tiền tương đương giá trị quỹ đất phát triển nhà ở xã hội do chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở.
Thu tiền bán nhà ở thuộc tài sản công do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở; tiền đấu giá quyền sử dụng đất theo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và nguồn vốn bổ sung từ hoạt động của quỹ nhà ở địa phương.
Dự thảo nêu rõ, mục tiêu hoạt động của Quỹ nhà ở quốc gia là đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án nhà ở xã hội độc lập, dự án nhà ở xã hội đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để cho thuê.
Đối tượng được thuê nhà ở do quỹ đầu tư xây dựng, tạo lập bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Giá thuê nhà ở do quỹ đầu tư xây dựng, tạo lập được thực hiện như trường hợp xác định giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trong văn bản cũng nhấn mạnh, quỹ thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội độc lập đối với mỗi dự án có thời hạn không quá 5 năm; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để cho thuê đối với mỗi dự án có thời hạn không quá 7 năm.
Bộ Xây dựng cho biết, trên cả nước quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737ha đất làm nhà ở xã hội, hầu hết các địa phương dành đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.
Trên địa bàn cả nước đã có 276 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô 216.374 căn. 5 tháng đầu năm 2025, đã khởi công mới 21 dự án, với quy mô 20.428 căn; 22.649 căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành.
Hoàng Lam (t/h)