Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu miễn thuế từ 200 triệu lên 400 triệu đồng/năm
Theo như đề xuất các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 400 triệu/năm (khoảng 33,3 triệu đồng/tháng) sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Tại Hội nghị trao đổi giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, triển khai Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân được tổ chức vào tháng 6/2025, Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Trưởng ban Chính sách Thuế-Cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết theo dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, từ ngày 1/1/2026, thuế khoán sẽ bị xoá bỏ. Hộ và cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang hình thức tự khai, tự nộp và phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, đồng thời tuân thủ hậu kiểm.
Đặc biệt, hộ kinh doanh dưới ngưỡng chịu thuế nếu thực hiện đầy đủ hóa đơn và kế toán sẽ được miễn thuế, đồng thời có thể nhận hỗ trợ chi phí phần mềm hóa đơn tối đa trong 12 tháng.
Cũng tại buổi hội nghị này để tạo thuận lợi cho công tác quản lý và tuân thủ thuế, bà Hằng đề xuất một số cải cách pháp lý, bao gồm: nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ 200 triệu lên 400 triệu đồng/năm; thống nhất sử dụng số định danh cá nhân theo căn cước công dân để quản lý người nộp thuế; đồng thời bỏ khái niệm "hộ kinh doanh", thay thế bằng "cá nhân kinh doanh" nhằm phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Điều này có nghĩa là các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu bình quân dưới 33,3 triệu đồng mỗi tháng (tương đương 400 triệu đồng/năm) sẽ được miễn thuế, thay vì mức hiện hành là dưới 16,6 triệu đồng/tháng (200 triệu đồng/năm).
Hiện tại các hộ kinh doanh được phân loại theo bốn nhóm doanh thu, từ dưới 200 triệu đồng đến trên 10 tỉ đồng mỗi năm.
Nhóm 1: Doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm, không thuộc diện chịu thuế.
Nhóm 2: Doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm.
Nhóm 3: Doanh thu từ 1 đến 3 tỷ đồng/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng; hoặc từ 1 đến 10 tỷ đồng/năm đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Nhóm 4: Doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.
Đối với nhóm 1 và nhóm 2, cơ quan thuế sẽ khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử. Lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền với nhóm 2 dự kiến triển khai trong giai đoạn 2027–2028. Trong khi đó, nhóm 3 và nhóm 4 sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khi bán lẻ.
Về chế độ kế toán, nhóm 1 và nhóm 2 chỉ cần ghi chép thu chi đơn giản theo mẫu (phần mềm) của Bộ Tài chính. Nhóm 3 thực hiện chế độ kế toán đơn giản, còn nhóm 4 áp dụng theo Thông tư 88 về chế độ kế toán cho hộ và cá nhân kinh doanh.
Các nội dung này sẽ được đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025. Mục tiêu của chính sách mới là bảo đảm thu đúng, thu đủ, minh bạch trong quản lý thuế, đồng thời không gây thêm gánh nặng cho các hộ và cá nhân kinh doanh có quy mô nhỏ.
Thúy Hạnh