Đề xuất tăng tiền trợ cấp xã hội hằng tháng từ 1/7/2024
Hiện nay mức hỗ trợ hàng tháng cho khoảng 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội 360.000 đồng/người/tháng, là rất thấp. Vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội để hỗ trợ thêm những người được bảo trợ từ ngân sách dự kiến trình Chính phủ để thực hiện từ 1/7/2024.
Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức hỗ trợ 360.000 đồng/người/tháng là rất thấp, mới chỉ bằng 17% thu nhập trung bình của người dân và bằng khoảng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2022 – 2025; trong khi đó thời gian qua lương cơ sở đã tăng 6 lần. Vì thế, Bộ LĐTB&XH đã giao Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; và đã được lấy ý kiến các bộ, ngành.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội để hỗ trợ thêm những người được bảo trợ từ ngân sách dự kiến trình Chính phủ để thực hiện từ 1/7/2024.
Cụ thể, dự thảo đề xuất hai phương án tăng chuẩn trợ cấp mỗi tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng. Mức chuẩn này là căn cứ hỗ trợ người trên 80 tuổi không có hưu trí, trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và chăm sóc một số nhóm khác.
Hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người thụ hưởng trợ cấp xã hội trên. Mức chuẩn trợ giúp xã hội hiện tại chỉ bằng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 và 17% thu nhập bình quân. Nhiều nơi đã nâng mức này lên khoảng 400.000 đồng cho gần 700.000 người với kinh phí trên 3.500 tỷ đồng/năm.
Nếu tăng lên 500.000 đồng/tháng, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7/2024, kinh phí phát sinh 4.700 tỷ đồng. Còn phương án tăng lên 750.000 đồng, ngân sách dự kiến chi 54.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7/2024, kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.