Dệt may Thành Công biến động loạt nhân sự cấp cao

Dệt may Thành Công thông báo bổ nhiệm 3 nhân sự cấp cao trong đó có 2 người nước ngoài.

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư- Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM - sàn HoSE) vừa có thông báo về việc thay đổi một loạt nhân sự cấp cao có hiệu lực từ ngày 19/6.

Cụ thể, Dệt may Thành Công đã bổ nhiệm ông Lee Hyoung Kyu giữ chức vụ Giám đốc chiến lược kiêm Người đại diện phần vốn góp trong Công ty TNHH TC Tower. 

Tiếp đến, ông Han Kwang Taek giữ chức Giám đốc Sáng tạo kiêm Người đại diện phần vốn góp trong Công ty TNHH TC Commerce. 

Người thứ ba là bà Ngô Thị Quỳnh Mai được bổ nhiệm làm Trưởng phòng pháp chế, Thư ký HĐQT kiêm Người phụ trách quản trị công ty. 

det-may-thanh-cong-bien-dong-loat-nhan-su-cap-cao-1687316773.jpg
Công nhân làm việc tại Dệt may Thành Công

Cũng từ ngày 19/6, hai nhân sự không còn đảm nhận vị trí quan trọng tại TCM. Đó là ông Choi Haeoi không còn đảm nhận chức vụ người đại diện phần vốn góp trong Công ty TNHH TC Tower và Công ty TNHH TC Commerce. Còn bà Huỳnh Thị Thu Sa không còn đảm nhận chức vụ Thư ký HĐQT kiêm người phụ trách quản trị công ty.

Trước nữa, ngày 13/6, ông Kim II Kyu có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT với lý do cá nhân. Được biết, ông Kim II Kyu trình độ cử nhân quản trị kinh doanh và được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT tại Dệt may Thành Công từ ngày 6/4/2021. Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, ông Kim II Kyu đang là Phó Chủ tịch kiêm người đại diện Công ty TNHH Eland Construction.

Về tình hình kinh doanh, TCM ghi nhận doanh thu tháng 5 đạt 9,28 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 527.000 USD, tương ứng 527 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng 5/2022. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ 3 mảng: sản phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 16% và sợi chiếm 6%. 

Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu 57 triệu USD, tương ứng 1.740 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 4,3 triệu USD, tương ứng 101 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp này cho biết, dù doanh thu giảm sâu nhưng lợi nhuận đạt gần tương đương cùng kỳ chủ yếu do công ty ghi nhận phần lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi Savimex.

Về tình hình xuất khẩu, trong tháng 5, thị trường châu Á chiếm 59,4%, trong đó dẫn đầu là Hàn Quốc (18,58%), Nhật Bản (16,7%), Trung Quốc (7.59%). Tiếp đến, thị trường Mỹ (30,2%), tại châu Âu riêng thị trường Anh chiếm 6,74%. Trong khi đó, doanh thu thị trường nội địa chiếm khoảng 11% tổng doanh thu của công ty, còn lại là đến từ hoạt động xuất khẩu.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến diễn ra tại TP.HCM vào ngày 30/06, TCM đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần dự kiến 3.927 tỷ đồng và 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt 9% và 30% so với năm trước. Tỷ lệ cổ tức năm 2023 dự kiến là 15%.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT