Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 giảm một nửa
Trong tài liệu ĐHĐCĐ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam ghi nhận các chỉ tiêu đều “đi lùi” so với thực hiện năm 2022. Mục tiêu doanh thu là 17.500 tỷ đồng, bằng 89,3% thực hiện năm 2022; mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh 50% so với thực hiện năm 2022 xuống 610 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, MCK: VGT, UPCoM) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tài liệu ghi nhận kế hoạch hợp nhất năm 2023 với các chỉ tiêu đều “đi lùi” so với thực hiện năm 2022.
Cụ thể, sang năm 2023, mục tiêu doanh thu là 17.500 tỷ đồng, bằng 89,3% thực hiện năm 2022; chi phí dự kiến ở mức 16.890 tỷ đồng, bằng 91,9% thực hiện năm 2022. Đáng chú ý, Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh 50% so với thực hiện năm 2022 xuống 610 tỷ đồng.
Ngoài ra với tình hình thị trường diễn ra hết sức phức tạp, kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2023 của công ty ghi nhận giảm so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất ở mức 4.455 tỷ đồng, giảm 15% so với quý I/2022; lợi nhuận hợp nhất cũng giảm gấp 3 lần cùng kỳ, từ 376 tỷ xuống 118 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do tình hình 3 tháng đầu năm có nhiều bất lợi, kim ngạch xuất khẩu của Dệt may Việt Nam quý I/2023 giảm 19%. Các doanh nghiệp sợi không có cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn; doanh nghiệp may thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh 20-50%. Ngoài ra chi phí xăng dầu, lương, điện, lãi suất trong nước đều có xu hướng tăng cũng là một trở ngại lớn.
Do đến nay thị trường vẫn đang trong giai đoạn phức tạp, chưa có dấu hiệu cải thiện trong ngắn hạn, kế hoạch kinh doanh quý II/2023 của VTG thấp hơn cả quý vừa rồi với mục tiêu doanh thu gần 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 58 tỷ đồng.
Mục tiêu tới năm 2025, VGT hướng tới dần tự chủ nguyên liệu, tạo được chuỗi sản xuất nội bộ. Theo đó, lợi nhuận sẽ được chia sẻ và cân đối trong chuỗi từ kéo sợi, dệt nhuộm hoàn tất đến may, không mất đi lợi nhuận khi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng của công ty sẽ đạt trên 80%.