ĐHCĐ Hoà Phát: “Ông trời bắt phải làm việc khó”, đang nghiên cứu tôn silic chưa từng có ở Việt Nam và đường ray tàu cao tốc

Trong quý 1/2024, Hòa Phát đạt 31.000 tỷ doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận - Ông Trần Đình Long tiết lộ.

ĐHCĐ Hoà Phát: “Ông trời bắt phải làm việc khó”, đang nghiên cứu tôn silic chưa từng có ở Việt Nam và đường ray tàu cao tốc- Ảnh 1.

Ảnh: Việt Hùng

Ngày 11/4, tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Vào hồi 8h30, đã có 353 cổ đông đến tham dự trên tổng số 165,9 nghìn cổ đông, đại diện cho 3,8 tỷ cổ phiếu (tương đương hơn 65% cổ phần có quyền biểu quyết). Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát đã có lời cảm ơn đến các cổ đông đã tham gia chuyến thăm Khu liên hợp sản xuất thép Dung Quất và khẳng định đây sẽ trở thành hoạt động thường niên cho các cổ đông. 

Ông Trần Đình Long cũng cho biết đến ngày chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Hòa Phát có gần 166.000 cổ đông, thuộc diện đông nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại. 

2022-2023 LÀ ĐÁY NHƯNG 2024 KHÓ ĐỘT BIẾN

Chia sẻ tại Đại hội, ông Long cho biết trong quý 1/2024, Hòa Phát đã mang về 31.000 tỷ doanh thu và hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 7 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND tăng luôn là vấn đề khá lớn với công ty. Quý 1/2024, công ty phải trích lập dự phòng 200 tỷ đồng do tỷ giá.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 36.077 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD và đóng góp 30% tổng doanh thu của Tập đoàn. Tổng cộng hơn 2,2 triệu tấn sản phẩm thép của Hòa Phát đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia. 

Năm 2024, "vua" thép đặt mục tiêu năm tới mang về doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023. Nếu đạt được, đây sẽ là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử và lợi nhuận cao nhất từ 2022.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Hòa Phát, lợi nhuận năm 2023 thấp hơn so với mọi năm tuy nhiên giữa bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, để đạt được con số đó lãnh đạo và toàn thể công ty đã cố gắng nỗ lực rất nhiều. Công ty đã đưa ra nhiều quyết định nhanh, sát với thực tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn vốn, tài chính, hàng tồn kho… Đến quý 4/2023, kết quả kinh doanh của tập đoàn đã tương đối khởi sắc, thể hiện được sự cố gắng của toàn thể công ty.

"Theo nhận định của tôi, kết quả kinh doanh năm 2024 chưa thể tăng trưởng đột biến dù năm 2022-2023 là đáy, do nền kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn. Lĩnh vực BĐS đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn chưa "ấm lên". Ở Mỹ và Châu Âu, FED vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn do lạm phát vẫn ở mức cao" - Ông Thắng nói.

ĐHCĐ Hoà Phát: “Ông trời bắt phải làm việc khó”, đang nghiên cứu tôn silic chưa từng có ở Việt Nam và đường ray tàu cao tốc- Ảnh 2.

Về phân phối lợi nhuận, với khoảng 6.800 tỷ lợi nhuận sau thuế, Hòa Phát dự kiến trích 340 tỷ đồng cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và 68 tỷ đồng để trả thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ còn đến 6.392 tỷ đồng. Như vậy, Hòa Phát có thể sẽ có năm thứ hai liên tiếp không trả cổ tức bằng tiền

Thay vào đó, HĐQT công ty đề xuất phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Cụ thể, Hòa Phát sẽ phát hành hơn 581 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 63.962 tỷ đồng. Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần 3.212 tỷ đồng và một phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối với giá trị 2.603 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý 2/2024 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Về phương án phân phối lợi nhuận cho năm 2024, Hòa Phát dự định trích tối đa 5% lợi nhuận thực đạt cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi và trích tối đa 5% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để thưởng Ban điều hành. Đáng chú ý là công ty của tỷ phú Trần Đình Long muốn cổ đông chấp thuận kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ dự kiến 10%.

DOANH THU CÓ THỂ LÊN ĐẾN 200.000 TỶ ĐỒNG KHI DUNG QUẤT 2 HOÀN THÀNH

Ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, sau khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, doanh thu của Hòa Phát có thể lên đến 200.000 tỷ đồng và tỷ trọng doanh thu của mảng thép sẽ chiếm 95% tổng doanh thu của Tập đoàn, tăng lên từ mức 85-90% những năm qua. 

Theo tiến độ, cuối năm 2024 công ty sẽ sản xuất HRC tại Dung Quất 2. Công ty vẫn cần một thời gian chạy thử. Khi chạy đủ công suất, có thể sản xuất 2,7 triệu tấn HRC. Năm 2025 Hòa Phát có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC tại Dung Quất 2, cộng cả Dung Quất 1 vào có thể đạt hơn 5 triệu tấn.

ĐHCĐ Hoà Phát: “Ông trời bắt phải làm việc khó”, đang nghiên cứu tôn silic chưa từng có ở Việt Nam và đường ray tàu cao tốc- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Việt Thắng - TGĐ Hòa Phát. Ảnh: Việt Hùng

Một cổ đông đặt câu hỏi: Khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, nếu BĐS Trung Quốc vẫn gặp khó khăn thì công ty sẽ bán hàng thế nào? Ông Thắng cho biết: "Công ty đang chiếm 35% thị phần thép xây dựng. Chúng tôi vẫn duy trì thị phần kể cả lúc khó khăn, thị trường trong nước vẫn là chính và có cả xuất khẩu. Chúng tôi không có khó khăn gì trong vấn đề bán hàng. Trong năm 2024 đầu tư công đang được đẩy mạnh và Hòa Phát đang cung cấp thép cho một loạt dự án trọng điểm. Đây sẽ là cơ hội tốt cho tập đoàn. Với HRC, khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, bộ phận xuất khẩu đã tiến hành đi tìm thị trường để có thể bán được số thép đó".

Đặc biệt, ông Trần Đình Long tiết lộ, Hòa Phát đang nghiên cứu làm Tôn silic, làm cho các mô tơ điện, nghiên cứu và làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Ngoài ra, Giai đoạn 2 ở Dung Quất 2 sẽ làm đường ray xe lửa - không phải loại đường ray thông thường - mà là đường ray cho tàu tốc độ cao. Hòa Phát đã tiến hành những bước đầu tiên và sẵn sàng đấu thấu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

"Ông Trời đã bắt Hòa Phát phải làm việc khó" - Ông Trần Đình Long tâm sự.

ĐHCĐ Hoà Phát: “Ông trời bắt phải làm việc khó”, đang nghiên cứu tôn silic chưa từng có ở Việt Nam và đường ray tàu cao tốc- Ảnh 4.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát. Ảnh: Việt Hùng


KHẢ NĂNG DỪNG 'GIẤC MƠ' BÔ-XIT, VẪN DÀNH 5 TỶ USD CHO DA THÉP PHÚ YÊN

Trong chiến lược dài hạn của Hòa Phát, công ty sẽ tăng cường sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao. Sau khi xong Dung Quất 2, sản lượng thép chất lượng cao có thể đạt được công suất 11 triệu tấn. Công ty sẽ không mở rộng quy mô sản xuất tôn và ống thép. 

"Tôi cũng xin thông báo một tin, không biết là vui hay buồn. Chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất bô-xit và nhôm tại Đăk Nông nhưng 2 tuần trước tôi cũng phải chia sẻ với lãnh đạo tỉnh rằng, Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này nhưng nếu có Doanh nghiệp khác ngỏ lời, thì có thể để cơ hội cho người ta. Trong 5-10 năm tới, Hòa Phát muốn dành toàn lực cho sản xuất thép, khó để mở rộng sản xuất cả bô-xít" - Ông Long nói.

Vị Chủ tịch cũng thừa nhận, ngành thép hiện tại khốc liệt hơn ông nghĩ rất nhiều.

Ngành thép hiện tại khốc liệt hơn tôi nghĩ rất nhiều!
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát


Dù vậy, công ty vẫn dự kiến đầu tư 5 tỷ USD vào dự án thép tại Phú Yên - tương đương Dung Quất 2.

"Chúng tôi muốn trở thành một trong 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Nếu mà chúng ta không thay đổi, không nâng cấp thì sẽ bị đè bẹp" - Ông Long khẳng định.

Khi cổ đông thắc mắc về việc chỉ thấy trứng gà thương hiệu Hòa Phát mà không thấy thương hiệu thịt lợn, thịt bò, ông Thắng trả lời, mảng nông nghiệp - chăn nuôi của Hòa Phát có 3 sản phẩm là bò, thịt heo và trứng, chỉ bán tại trại, không giết mổ và không làm khâu bán sản phẩm, ngoại trừ Trứng gà Hòa Phát đã bán tại các siêu thị. Hòa Phát chưa có kế hoạch phát triển khâu giết mổ và chuỗi cung ứng đằng sau.

"Ngành nông nghiệp có biến động phải nói là "khủng khiếp". Giá trứng trên thị trường đang bán trong siêu thị là 3.000, nhưng chúng tôi đang bán chỉ 1.200-1.300. Năm nay tôi cho rằng ngành thịt heo sẽ có giá tốt, tỷ trọng tương đối lớn nên ngành nông nghiệp sẽ có lợi nhuận cao hơn năm ngoái" - TGĐ công ty cho biết.

Ông Trần Đình Long cũng chia sẻ về mục tiêu đa ngành: "Với các tập đoàn sản xuất lớn, đa ngành là xu hướng không thể thay đổi. Về sách lược, ở từng thời điểm chúng ta phải có những bước đi thích hợp. Ở ngắn hạn, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào thép và không có ý định thoái vốn mảng nào".

Nhận định thị trường thép năm 2024, ông Trần Đình Long cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang trì trệ nên năm 2024 chưa thể có sự tăng trưởng đột biến. Dù vậy, một trong những may mắn của Hòa Phát là công ty đã 'đẩy' được tồn kho giá cao, tạo thuận lợi cho năm sau. Năm 2025 có thể là một năm tốt với thép Hòa Phát.

Với mảng sản xuất container, ông Long cho biết đến nay công ty đã hoàn thành dây chuyền sản xuất. Năm nay Hòa Phát bắt đầu kiện toàn để có thể sản xuất và năm 2025 đưa vào bán hàng. "Đây là mảng kinh doanh có tầm nhìn 20-30 năm chứ không phải theo "trend"." - Ông Long khẳng định

HÒA PHÁT VÀ CÁC CÔNG TY THÉP TRONG NƯỚC TỰ TIN CÓ THỂ LO ĐƯỢC HẾT LƯỢNG CẦU THÉP

Chia sẻ về diễn biến trong vụ gửi đơn điều tra bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết rằng sau một quá trình, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 quá lớn, nguy cơ đè bẹp sản xuất trong nước. Hòa Phát đã gửi kiến nghị điều tra chống bán phá giá, đây là hoạt động bình thường tại nhiều nước. Đơn của Hòa Phát đang được Cục quản lý cạnh tranh của Bô Công Thương thẩm định.

Với quan điểm của ông Long, không một nước nào chấp nhận sản xuất thép lớn mà lại để hàng nhập khẩu ồ ạt vào lấn át sản xuất nội địa. Ở Mỹ, khi lượng nhập khẩu bằng 10% sản lượng tự sản xuất, thuế chống bán phá giá đã được thi hành. Năm 2023, sản lượng thép HRC do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất ra chỉ khoảng 6,6 triệu tấn thép, trong khi lượng thép nhập khẩu lên đến 9,6 triệu.

Ông cũng cho biết rằng Hòa Phát không khởi kiện các công ty trong nước. 

"Các đơn vị nhập khẩu thép có nhiều lý luận và họ đều đúng hết. Nhưng họ quên mất một điều, đó là nếu đúng thì họ sợ gì việc điều tra chống bán phá giá. Ngược lại, họ phải mong muốn điều tra chống bán phá giá, và kết quả sẽ chứng minh là họ đúng. Còn về phía nhà sản xuất trong nước như chúng tôi, không có lý do gì bỏ ra 7 tỷ USD đầu tư sản xuất thép chất lượng cao mà không có nhu cầu được cơ quan quản lý bảo vệ" - Ông Long nói.

Quý 1/2024, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép HRC nhưng lượng nhập khẩu vào là hơn 3 triệu tấn. Ông Long cũng bày tỏ niềm tin rằng các bộ ban ngành sẽ ủng hộ sản xuất trong nước. 

Quý 1/2024, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép HRC nhưng lượng nhập khẩu vào là hơn 3 triệu tấn.

"Việc họ có bán phá giá hay không hãy đề các cơ quan ban ngành đưa ra kết luận, chúng tôi không bình luận gì." - Ông Long chia sẻ

Hiện nay sản lượng tiêu thụ thép HRC trong nước đang là khoảng 12 triệu tấn/năm. Hòa Phát và các công ty thép trong nước tự tin có thể lo được hết lượng cầu thép nếu nguồn cung Trung Quốc hụt đi.

Ông Long chia sẻ: "Trong tương lai gần Hòa Phát sẽ không tăng việc đòn bẩy tài chính. Nhiều công ty đã phải nhận hậu quả "kinh hoàng" do dùng đòn bẩy tài chính. Hòa Phát đã chuẩn bị lượng tiền mặt lớn cho dự án Dung Quất 2. Đây không phải là số tiền Hòa Phát không dùng đến mà để dành cho "những quả đấm thép", Hòa Phát không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư, ôm bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh".



Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT