ĐHCĐ Masan: Ra mắt Cơm tự chín cho 'trụ cột' out-of-home, Wincommerce muốn cạnh tranh về giá, hướng đến có LNST trong Q1/2025
Từ trước đến nay, Wincommerce được đánh giá là không cạnh tranh về giá với các hệ thống bán lẻ khác. Từ cuối năm 2023, WCM đã xây dựng lại chiến lược.
Sáng 25/4, CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024 với 7 tờ trình. Hai công ty thành viên Masan Consumer (MCH) và Masan MEATLife (MML) đồng tổ chức trong ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT của Masan phát biểu: "Masan Consumer - Viên kim cương gia bảo của Masan là niềm tự hào, mang đậm một cách nguyên tắc những giây phút trăn trở, đam mê và ngọt ngào trong những giây phút phụng sự người tiêu dùng. Đó còn là đại sứ ẩm thực Việt Nam nâng hành trình đi ra thế giới của Masan, một lần nữa cùng với người tiêu dùng Việt Nam tìm cách đi những bước vững chắc trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh, Love brand".
Ông Quang chia sẻ, Masan Group quyết định IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan Cosumer (Masan Consumer Holdings).
Danny Le – TGĐ Masan Group cho biết, năm 2024 WCM dự kiến mở 4.000 cửa hàng với mục tiêu 90% số cửa hàng này sẽ hòa vốn EBITDA. Năm 2019, khi Masan mua lại chuỗi bán lẻ, kết quả chung vẫn còn lỗ. Ông Danny Le đánh giá kết quả sau 4 năm rất đáng khích lệ.
Quý 1 năm nay nhu cầu tiêu dùng phục hồi lại và WCM mở trung bình 1,6 cửa hàng/ngày, mục tiêu 75% số cửa hàng hòa vốn EBITDA.
Ông Danny Le nói, Phúc Long có KQKD chưa như mong đợi nên đang trong quá trình tinh giản, đóng cửa 1 số cửa hàng chưa hiệu quả để tối ưu hơn. Các nhà thuốc trong chuỗi bán lẻ cũng sẽ thực hiện các biện pháp như vậy.
TRỤ CỘT MỚI CỦA MCH: RA KHỎI NHÀ
Tại Đại hội, ông Trương Công Thắng - Chủ tịch HĐQT Masan Consumer chia sẻ, con đường tương lai của MCH là phục vụ những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng. MCH đã đi từ góc bếp đến các sản phẩm trong tủ lạnh, các sản phẩm ở phòng khách, phòng tắm. Tới đây, trụ cột thứ 5 của MCH sẽ là Out-of-Home như trà, cà phê, nước lọc, lẩu tự sôi, snacks…
"Hành trình 20 năm qua có thể rất mạnh với sự hiện diện trong gia đình nhưng với xu hướng tiêu dùng mới, out-of-home là thị trường mà chúng ta hướng tới" - Ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết, quy mô thị trường FMCG mà MCH phục vụ (bao gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi, đồ uống đóng chai, Chăm sóc gia đình và cá nhân) mới có giá trị 8 tỷ USD. MCH còn nhiều việc phải làm, thi đua với các công ty khác để hướng tới thị trường FMCG Việt Nam có quy mô 32 tỷ USD.
MCH sẽ làm gì trong 10 năm tới? Đó là xây dựng một mô hình FMCG mới với các chiến lược: (1) Xây 6 Big Brands tỷ USD giúp người tiêu dùng an toàn khi bỏ tiền ra mua sản phẩm, (2) Đưa Big Brands và ẩm thực Việt Nam ra thế giới, nói với thế giới về sức hấp dẫn của văn hóa và ẩm thực Việt Nam, (3) Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của Masan Consumer vào top đầu Đông Nam Á.
Giống như đã ra mắt Lẩu tự sôi Omachi vào ĐHCĐ năm trước, Masan cho ra mắt sản phẩm Cơm tự chín cá hồi áp chảo sốt Teryaki.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Trương Công Thắng nhấn mạnh: "Trọng tâm trong thời gian tới của MCH là tìm ra mô hình để đi ra thị trường thế giới. Đó không chỉ đơn giản là bắt chước công ty nào hay tự nghĩ ra mô hình mà có 3, 4 mô hình khác nhau tại mỗi thị trường. Chúng tôi sẽ tận dụng kênh phân phối, thương mại điện tử, hội chợ… và điều chỉnh mô hình phù hợp với từng thị trường để đi vào hệ thống phân phối. Cách nào đơn giản và hiệu quả nhất thì sẽ được nhân rộng ra".
WCM SẼ RA MẮT 40 THƯƠNG HIỆU RIÊNG
Lãnh đạo WCM cho biết đang tập trung vào việc "Làm thế nào thay đổi định kiến về giá của khách hàng khi mua hàng tại WCM". Từ trước đến nay, WCM được đánh giá là không cạnh tranh về giá với các hệ thống bán lẻ khác. Từ cuối năm 2023, WCM đã xây dựng lại chiến lược về giá, 'đánh' tổng lực truyền thông về giá cho khách hàng thông qua các nhân viên trong các cửa hàng, cũng như truyền thông trên nền tảng digital về mức giá của hàng hóa trong WCM. Thậm chí, ở thị trường nông thôn, WCM đã có những sản phẩm cạnh tranh được về giá với cửa hàng bên ngoài.
"Hết 2024, hình ảnh về giá của WCM sẽ hoàn toàn thay đổi" – Lãnh đạo công ty cho biết.
WCM hướng đến có lợi nhuận sau thuế dương trong quý 1/2025.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, CEO WCM cho biết, doanh thu quý 1/2024 của WCM là 7.900 tỷ đồng, trong đó 70% đến từ miniMart, đạt mục tiêu có lãi EBITDA. Đồng thời, đã giảm được 40% chi phí đầu tư cửa hàng dựa vào việc tối ưu đàm phán khi mua sản lượng lớn và từ việc tối ưu trang thiết bị.
Một cổ đông đặt câu hỏi về việc năm 2024, WCM đặt kế hoạch tăng 400-700 cửa hàng/năm nhưng doanh thu không tăng tương ứng, CEO cho biết lý do là vì tổng thời gian hoạt động của cửa hàng mở mới chỉ 4 tháng, không có doanh số tròn 1 năm, bên cạnh đó, các cửa hàng mở mới cần thời gian để cải thiện hiệu quả hoạt động.
Trong năm tới, WCM sẽ đưa ra 40 nhãn hàng riêng. Hiện tại các sản phẩm mang thương hiệu WCM mới đóng góp 8-9% doanh thu nhưng biên lợi nhuận dang cao hơn 3-5% trong từng nhóm hàng mà WCM thực hiện so sánh.
KẾ HOẠCH LỢI NHUẬN TĂNG TRƯỞNG TỐI ĐA 115%
Về kế hoạch kinh doanh, Masan lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu trong khoảng 84.000 tỷ đồng - 90.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,3% - 15%. Lợi nhuận thuần cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số (core NPAT Pre-MI) dự kiến từ 2.250 tỷ đồng đến 4.020 tỷ đồng, tăng 31% - 115% so với kết quả thực hiện năm 2023. Công ty dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2024.
The CrownX dự kiến doanh thu thuần trong khoảng 63.000 - 68.000 tỷ đồng, tăng 9-18% so với năm 2023. Trong đó, Wincommerce (WCM) dự kiến doanh thu thuần từ 32.500 - 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 8-13%.
MCH dự kiến doanh thu thuần từ 32.500 - 36.000 tỷ đồng, tăng trưởng đóng góp chủ yếu bởi ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và chăm sóc gia đình, cá nhân. PLH (Phúc Long Heritage) dự kiến doanh thu từ 1.790 - 2.170 tỷ đồng, tăng 17-41$ và dự kiến mở từ 30-60 cửa hàng mới ngoài WCM, tập trung vào Hà Nội và Tp.HCM.
MML dự kiến doanh thu từ 7.100-7.800 tỷ đồng, tăng 2-12%. Trong đó doanh thu từ thịt lợn có thương hiệu và thịt chế biến dự kiến tăng từ 15-28% và từ 12-33% so với cùng kỳ.
MHT (Masan High Tech Material) dự kiến đoanh thu từ 15.000-15.800 tỷ, tăng từ 6-12%. MHT đã thuê nhà thầu nổ mìn mới đưa vào hoạt động trong quý 1/2024.
Năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu 78.252 tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.870 tỷ đồng, giảm hơn 60%. Công ty trình cổ đông phương án không chia cổ tức năm 2023.
Về kế hoạch phát hành cổ phiếu, Masan dự kiến phát hành thêm tối đa 10% số cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho cổ đông chiến lược với giá không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời gian dự kiến trong năm 2024 hoặc trước thềm họp ĐHĐCĐ năm 2025. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 - 3 năm.
Doanh nghiệp đang cân nhắc giữa 2 phương án: (1) chào bán cổ phần phổ thông riêng lẻ hoặc (2) chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức. Với phương án bán cổ phần ưu đãi cổ tức, nhà đầu tư sẽ nhận 0% trong 6 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Từ năm thứ 7, cổ tức cổ định là 10%/năm. Ngoài phần cố định, cổ phần ưu đãi vẫn nhận thêm cổ tức bằng với cổ phần phổ thông (nếu có).
Ngoài ra, Masan còn dự kiến phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên với số lượng tối đa 0,5% số cổ phần lưu hành, giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong năm 2024 hoặc 4 tháng đầu năm 2025.
Về thù lao của HĐQT, Masan trình cổ đông thông qua việc không trả thù lao cho các thành viên HĐQT trong năm 2024. Ngân sách cho chi phí hoạt động của HĐQT không quá 5 tỷ đồng.
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NĂM 2023
Với 5 mô hình bán hàng, Wincommerce đạt doanh thu 30.054 tỷ đồng trong năm 2023. Chiếm số lượng lớn nhất đang là mô hình cửa hàng Mini store tại thành thị với 1.886 cửa hàng, còn Mini store tại nông thôn cũng lên tới 1.190 cửa hàng.
Kể từ giữa năm 2023, doanh thu mỗi ngày của các cửa hàng WIN (Điểm đến Tất cả trong một) tại thành thị có xu hướng vượt lên so với cùng kỳ của năm 2022.
Thịt có thương hiệu là một trong những điểm hấp dẫn nhất tại các điểm bán của Wincommerce. Nhờ thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống thông qua mức giá độc quyền cho các Hội viên WiN, sản lượng đã tăng 25,7% trong năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời, biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 3,2% trong năm 2022 lên 11,6% trong năm 2023.
Doanh thu các phân khúc lợn trang trại, thịt lợn có thương hiệu, thịt gà và thịt chế biến của Masan đều tăng trong năm này.