ĐHĐCĐ bất thành, Xây dựng Hòa Bình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2023
Sau năm 2022 lỗ nặng, Xây dựng Hòa Bình bất ngờ công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 có sự thay đổi với doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.
Chiều 27/6, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (MCK: HBC, sàn HoSE) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023. Tuy nhiên, tính đến 15h30, số cổ đông tham dự không đủ 51% nên đại hội không thể diễn ra.
Theo tài liệu được chuẩn bị tại đại hội, Xây dựng Hòa Bình bất ngờ trình kế hoạch kinh doanh 2023 mới được điều chỉnh với doanh thu 12.500 tỷ đồng (tăng 5.000 tỷ so với công bố trước đó) và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng (tăng 25 tỷ so với công bố trước đó). Năm nay, HBC dự tổng giá trị trúng thầu vào mức 17.000 tỷ đồng.
Trong phần báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, Xây dựng Hòa Bình vẫn sử dụng số liệu của BCTC chưa kiểm toán với 14.148 tỷ đồng doanh thu thuần, thực hiện được 80,7% kế hoạch và lỗ ròng 2.575 tỷ đồng. Dù trước đó, trong tờ trình được công bố trước thềm đại hội, HBC sử dụng số liệu tại BCTC công ty mẹ năm 2022 và BCTC hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán.
HBC cho biết, trong năm qua dòng tiền của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc tạm dừng thi công, chậm quyết toán và công nợ cũ chưa thể thu hồi.
Doanh thu năm 2022 của HBC sụt giảm do các dự án chậm hoặc tạm dừng triển khai. Lợi nhuận sụt giảm do chi phí vật liệu và nhân công tăng, chi phí tài chính tăng và chi phí trích lập dự phòng phải thu tăng cao.
Tổng giá trị trúng thầu trong năm 2022 đạt 15.885 tỷ đồng, tương đương 79,42% kế hoạch năm và bằng 95% so với cùng kỳ 2021. Giá trị hợp đồng ký mới tại khu vực miền Nam đạt 10.873 tỷ đồng, khu vực miền Bắc đạt 1.817 tỷ đồng, khu vực miền Trung đạt 710 tỷ đồng và riêng Phú Quốc đạt 2.484 tỷ đồng.
Cũng tại đại hội, Xây dựng Hòa Bình dự kiến trình kế hoạch phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và nhà nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm huy động nguồn vốn để bổ sung vốn lưu động cũng như xử lý các khoản nợ (hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán nợ vay từ phát triển dự án).
Giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định nhưng sẽ không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đượt chào bán diễn ra thành công, HBC có thể thu về ít nhất 3.288 tỷ đồng.
Về nhân sự, đại hội sẽ miễn nhiệm 5/8 thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2024 hiện tại. Đáng nói, cả 5 thành viên này đều có đơn xin từ nhiệm trước thềm đại hội.
Cùng với đó, HBC cũng đề xuất giảm số lượng thành viên HĐQT từ 8 xuống còn 6, trong đó có 2 thành viên độc lập, 2 thành viên không điều hành.
Nhằm đảm bảo đủ số lượng thành viên HĐQT, ông Lê Viết Hải với tư cách là cổ đông lớn đã đề cử hai cá nhân gồm Tổng Giám đốc HBC Lê Văn Nam và bà Nguyễn Thị Lượt.
Bà Lượt sinh năm 1976, là Cử nhân Kinh tế Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Bà từng có thời gian công tác tại CTCP Kho Cảng Xăng dầu Hàng không Miền Nam và Phòng Kế toán - Bưu điện TP.HCM. Hiện, bà Lượt đang là Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Queen Hotel- doanh nghiệp do ông Mai Hữu Thung là người đại diện pháp luật. Ông Mai Hữu Thung là người được Chủ tịch Lê Viết Hải đề cử trước nhưng đã xin rút lui.
Người nữa do nhóm cổ đông sở hữu 5,38% cổ phần đề cử là bà Vũ Thị Hòa sinh năm 1960, là Cử nhân Luật Trường Đại học Luật Hà Nội và Cử nhân Hành chính Học viện Hành chính Quốc gia. Hiện, bà Hòa đang là Luật sư Thành viên, Phụ trách Phòng Kiểm soát và Xử lý Tranh chấp - Khối khách hàng Doanh nghiệp tại Công ty Luật TNHH ALB & Partners.
Trước đó, bà Hòa từng là Luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM (trong giai đoạn 2016 - 2018); Thẩm phán Tòa Kinh tế - Tòa án Nhân dân TP.HCM (2004 - 2015); Thẩm phán Tòa án Nhân dân Quận 1 (1996 - 2004); Thư ký Tòa án Nhân dân Quận 1 (1988 - 1996).