ĐHĐCĐ VietinBank: Bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, chia cổ tức bằng cổ phiếu

Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội sẽ tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2019-2024 và định hướng hoạt động nhiệm kỳ mới 2024-2029. Ngân hàng cũng sẽ bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.

ĐHĐCĐ VietinBank: Bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, chia cổ tức bằng cổ phiếu - Ảnh 1.

Trong đó, 9 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ tới được đề cử là: Ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, ông Lê Thanh Tùng, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Nguyễn Đức Thành, ông Cát Quang Dương, ông Koji Iriguchi và ông Takeo Shimotsu.

Theo tài liệu đại hội, định hướng giai đoạn 2024-2029, VietinBank sẽ tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư khoảng 9-10%/năm.

Mục tiêu ROE ở mức 16-18%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%. Tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN theo từng thời kỳ. VietinBank cho biết, mục tiêu định hướng, đề xuất cho giai đoạn 2024-2029 điều chỉnh theo phê duyệt của NHNN trong từng thời kỳ.

Riêng năm 2024, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Lợi nhuận trước thuế theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, năm 2023, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 24.194 tỷ đồng, vượt kế hoạch 22.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 24.990 tỷ đồng.

Năm nay, VietinBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. VietinBank cho biết, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 là 19.456 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phục lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng. Toàn bộ lợi nhuận còn lại này VietinBank sẽ dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VietinBank cũng đã thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, nếu dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại của năm 2022 và 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 79.148 tỷ đồng.

Theo VietinBank, các kênh tăng vốn của ngân hàng đã khai thác tối đa giới hạn theo quy định. Thời gian qua, việc tăng vốn tự có của VietinBank gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã chạm ngưỡng 64,5% và tổng số vốn cần bổ sung là khá lớn trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cũng còn hạn chế. Việc giữ lại lợi nhuận thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu phụ thuộc lớn vào tình hình cân đối ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính. Trong các năm qua, để phục vụ tăng trưởng hoạt động kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, VietinBank đã phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro, đa dạng hóa cơ cấu thu nhập, cơ cấu danh mục đầu tư góp vốn cổ phần, phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2,…tuy nhiên tăng vốn nhằm đáp ứng tối đa quy mô tăng trưởng vẫn là một khó khăn với VietinBank.


Hà My

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT