Địa phương "đất chật, người đông" vừa được Nhật Bản rót 2 tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện đang có tình hình kinh tế ra sao?

Trong số 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác được trao dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thì dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình là dự án duy nhất được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15-18/12/2023, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các bộ, ngành, doanh nghiệp của hai nước, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Tokyo Gas, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh, trong số 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác được trao dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thì dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình là dự án duy nhất được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đây là dự án có quy mô lớn, với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Công nghệ của dự án sử dụng công nghệ sản xuất điện bằng tuabin khí, chu trình hỗn hợp hiện đại và có hiệu suất cao, nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu. Dự án có ý nghĩa quan trọng, khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Kinh tế Thái Bình đang phát triển ra sao?

Tỉnh Thái Bình là tỉnh "đất chật, người đông"; quy mô diện tích khá nhỏ, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố; chiếm 0,5% diện tích cả nước. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Thái Bình đạt trung bình trên 8,67%/năm, xếp thứ 5 trong vùng ĐBSH, sau các địa phương: Hải Phòng, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình.

Sang năm 2023, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu năm 2024 tại cuộc họp của UBND tỉnh hồi tháng 11 cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phục hồi, tăng trưởng khá và đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, tổng sản phẩm GRDP ước đạt 67.743 tỷ đồng, tăng 7,53% so với năm 2022. Trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,2%; công nghiệp, xây dựng tăng 12,2%; dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 202.526 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2022.

Ảnh chụp Màn hình 2023-12-19 lúc 08.23.38.png

Tăng trưởng GRDP Thái Bình giai đoạn 2016-2023

Về tình hình thu hút đầu tư, Cục Thống kê Thái Bình cho hay, tính đến ngày 20/11/2023, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 42.336,9 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (bao gồm 122 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 21.511,1 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022 và 20 dự án phát triển nhà ở với tổng mức vốn đầu tư là 20.825,8 tỷ đồng).

Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 710,5 triệu USD. Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.098 doanh nghiệp (tăng 5,5%) với số vốn đăng ký 13.253,4 tỷ đồng (tăng 38,1%) và 572 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022...

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng... Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2030 sẽ vươn lên nhóm phát triển khá và đến năm 2050 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,4%. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng 18%/năm; dịch vụ tăng 12%/năm; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,2%/năm.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung cả nước. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 11,4%/năm. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện các đột phá phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng thời, tập trung vào 3 khâu then chốt, như tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT