Địa phương giáp Trung Quốc sẽ là thành phố trực thuộc tỉnh lớn thứ hai cả nước
Địa phương sẽ "soán ngôi" thành phố Móng Cái, Quảng Ninh (519,58km2) để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn thứ nhì cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 236/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn.
Theo đó, dự kiến trình cấp có thẩm quyền sáp nhập huyện Cao Lộc (643km2) vào thành phố Lạng Sơn theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Nếu việc này được thông qua, thành phố Lạng Sơn sẽ tăng diện tích gấp 9,2 lần; từ 78km2 lên 721km2. Địa phương sẽ "soán ngôi" của thành phố Móng Cái, Quảng Ninh (519,58km2) để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn thứ nhì cả nước, chỉ đứng sau TP Hạ Long, Quảng Ninh (1.119km2).
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng.
Đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Có quan hệ hợp tác tích cực với các địa phương của Trung Quốc và các địa phương trong vùng, các tỉnh lân cận, Lạng Sơn trở thành vùng đất XANH hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN và các nước trên thế giới.
3 cao tốc, 8 quốc lộ, 29 đường tỉnh
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Lạng Sơn mở rộng); 03 đô thị loại IV (Hữu Lũng, Đồng Mỏ, Lộc Bình); 13 đô thị loại V (Chi Lăng, Vạn Linh, Na Sầm, Tân Thanh, Thất Khê, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Ngả Hai, Na Dương, Chi Ma, Đình Lập, Nông trường Thái Bình).
Thời kỳ 2021 - 2030, định hướng phát triển 07 khu công nghiệp với diện tích 2.055 ha. Thời kỳ 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát triển 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.158,1 ha; gồm Cụm công nghiệp địa phương số 2 đã đi vào hoạt động và 23 cụm công nghiệp phát triển mới.
Về phát triển mạng lưới giao thông, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 02 tuyến cao tốc đoạn qua địa phận tỉnh Lạng Sơn gồm Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đối với Cao tốc Tiên Yên (Quảng Ninh) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) được quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
Ngoài ra, Lạng Sơn đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện 7 tuyến quốc lộ hiện có và 1 tuyến quốc lộ mới. Về đường tỉnh, tỉnh nâng cấp, cải tạo 23 tuyến đường tỉnh hiện có; phát triển 16 tuyến đường tỉnh mới và các tuyến tránh quốc lộ. Đồng thời đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, trục đô thị, trục khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch đô thị thành phố Lạng Sơn mở rộng, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và quy hoạch đô thị các huyện.